Hai tháng, Hà Nội có 4 văn bản xin tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực y tế

Sức khỏe - Ngày đăng : 23:27, 21/08/2022

Trong tháng 7 và tháng 8/2022, UBND TP Hà Nội đã có 4 văn bản đề xuất Bộ Y tế về công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương; cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm tại các cơ sở y tế…

Ngày 21/8, tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Tính đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.617.451 ca mắc Covid-19, trong đó, có 1.617.217 ca trên địa bàn TP Hà Nội, 292 ca nhập cảnh. Thành phố cũng đã thực hiện giám sát 338 mẫu xét nghiệm gen. Hiện, Omicron vẫn đang là chủng lưu hành chính trên địa bàn thành phố, trong đó, đã ghi nhận các biến chủng mới của Omicron là BA.4 và BA.5.

Riêng trong tuần (từ ngày 12 đến 18/8), Hà Nội ghi nhận 1.907 ca mắc Covid-19, trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Như vậy, trung bình Hà Nội ghi nhận 272 ca bệnh/ngày, số mắc tăng 27,8% so với tuần trước (trung bình 213 ca/ngày). Từ ngày 29/4/2022 đến nay, 579/579 xã, phường, thị trấn của thành phố có cấp độ dịch Covid-19 là cấp độ I.

image_gallery-3-.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, đến nay, kết quả tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho người trên 18 tuổi đạt 98,2%; mũi nhắc lại lần 1 (mũi 4) đạt 66,9%. Ngoài ra, kết quả tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó mũi 1 đạt 64,3% và mũi 2 đạt 31,3%. Kết quả tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, mũi 1 và mũi 2 đều đạt hơn 99%; mũi 3 đạt 46,7%.

Theo ông Chử Xuân Dũng, hiện tại, dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát tốt. Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đã và đang được triển khai hiệu quả.

“Hiện thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc hay nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng dần nhưng hiện vẫn được kiểm soát. Điều này cũng phù hợp với dự báo cũng như tình hình dịch chung của cả nước. Thành phố cũng đã chủ động bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch, ông Chử Xuân Dũng đã nhấn mạnh đến một số vấn đề trọng tâm mà thành phố Hà Nội tập trung, chỉ đạo trong thời gian tới. Trong đó, cần củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, lấy phòng bệnh làm ưu tiên hàng đầu. Trước mắt, thành phố cần tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch Covid-19 và các dịch bệnh thường xuyên có xu hướng gia tăng. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa; nâng cao chất lượng trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân; tập trung triển khai các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; tiếp tục triển khai việc thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Đặc biệt, tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh lưu hành; duy trì thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn nhân viên y tế.

Liên quan đến kiến nghị và đề xuất, ông Chử Xuân Dũng cho biết, trong 2 tháng 7 và 8/2022, Hà Nội đã có 4 văn bản đề xuất Bộ Y tế về công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương; xây dựng và ban hành đơn giá mặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2 và kỹ thuật RT-PCR sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện và thu tiền xét nghiệm Covid-19 khi người dân có nhu cầu xét nghiệm và tự nguyện chi trả chi phí; cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm tại các cơ sở y tế. "Với 4 văn bản nêu trên, UBND thành phố Hà Nội xin báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho thành phố", ông Chử Xuân Dũng kiến nghị.

PV