Vụ "thâu tóm đất vàng": Bị cáo Nguyễn Văn Minh và con gái tham ô tài sản như thế nào?
Pháp đình - Ngày đăng : 18:28, 21/08/2022
Phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Tham ô tài sản" xảy ra tại Bình Dương bước sang phần tranh tụng. Trước đó, trong bản luận tội, đại diện VKS đã chỉ ra thủ đoạn tinh vi của nhóm bị cáo tham ô tài sản, nhằm chiếm hưởng số tiền 815 tỉ đồng.
Nguyễn Văn Minh với 3 "vai"
Theo cáo trạng truy tố của VKSNDTC, nhóm các bị cáo thuộc Công ty Bình Dương gồm: Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc; Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải đều là Phó Tổng Giám đốc đã câu kết cùng Nguyễn Thục Anh (Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển, con gái Nguyễn Văn Minh); Võ Hồng Cường (Công ty Hưng Vượng); Trần Đình Như Ý (vợ Cường) dùng thủ đoạn tinh vi để tham ô tài sản của Công ty Bình Dương.
Nguyễn Văn Minh với 3 "vai": Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Dương; Chủ tịch HĐQTV Công ty Tân Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng, đã cùng đồng phạm thực hiện hành vi tham ô tài sản của Công ty Bình Dương.
Theo nội dung cáo trạng, sau khi hoàn tất việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng không xác định lại giá trị quyền sử dụng khu đất 145 ha đất vào Công ty Tân Thành (Công ty do Minh là người đại diện pháp luật), Nguyễn Văn Minh biết trên sổ sách của Công ty Tân Thành giá trị quyền sử dụng khu đất là 442 tỉ đồng, giá trị máy móc thiết bị là 340 tỉ đồng.
Như vậy, tổng giá trị tài sản của Công ty Tân Thành là 783 tỉ đồng, với khối lượng 48 triệu cổ phần thì giá trị một cổ phần của Công ty Tân Thành là 16.315 đồng.
Trước đó, Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải đã tạm ứng số tiền 251 tỉ đồng của Công ty Bình Dương để sử dụng. Bên cạnh đó, Công ty Hưng Vượng còn vay của Công ty Bình Dương 153 tỉ đồng để góp vốn vào Công ty Tân Thành. Minh biết, trước khi Công ty Bình Dương chuyển thành công ty cổ phần thì phải nhận được lại các khoản tiền trên.
Để có nguồn tiền sử dụng chi cho các khoản công nợ nêu trên, Minh quyết định chủ trương Công ty Bình Dương sẽ mua bán, chuyển nhượng cổ phần của Công ty Tân Thành nhằm tạo chênh lệch giá trị cổ phần.
Thực hiện chỉ đạo của Minh, Trần Nguyên Vũ đã thuê Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, thẩm định lại tài sản của Công ty Tân Thành. Trong đó, giá trị khu đất 145ha lúc này được định giá lên tới 5.403 tỉ đồng, giá trị máy móc, tài sản là 340,8 tỉ đồng. Vậy tổng giá trị của Công ty Tân Thành đã lên thành 5.744 tỉ đồng, giá trị 1 cổ phần được định giá 119.678 đồng.
Sau đó, Công ty Bình Dương mua 19% cổ phần Công ty Tân Thành, trong đó 4% của Công ty Hưng Vượng và 15% của Công ty Phát Triển với giá 105.737 đồng/cổ phần (chênh lệch giá trị 89.422 đồng/ cổ phần), dẫn đến việc Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương - Công ty Cổ phần (trong đó, Nhà nước nắm giữ 60,9758 % vốn điều lệ) thiệt hại 815,5 tỉ đồng. Các bị cáo đã chia nhau để chiếm hưởng cá nhân.
Trong đó, có khoản tiền 251 tỉ đồng các bị cáo Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải đã sử dụng trước đó thông qua hình thức tạm ứng chưa hoàn trả lại cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương trước khi chuyển thành Công ty Cổ phần. VKS cáo buộc Nguyễn Văn Minh trực tiếp chiếm hưởng 163,2 tỉ đồng; Trần Nguyên Vũ sử dụng 82,6 tỉ đồng; Huỳnh Thanh Hải sử dụng 53,5 tỉ đồng.
Các bị cáo Võ Hồng Cường chiếm hưởng 47,4 tỉ đồng; Nguyễn Thục Anh chiếm hưởng 200 tỉ đồng; Trần Đình Như Ý 192,4 tỉ đồng.
Dùng thủ đoạn tinh vi tham ô tài sản
Tại phiên xét xử, trong phần luận tội, đại diện VKS nhấn mạnh: Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và nội dung khai nhận của các bị cáo Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải, Võ Hồng Cường, Trần Đình Như Ý và Nguyễn Thục Anh tại phiên toà, cho thấy, Nguyễn Văn Minh là người quyết định chủ trương mua bán, chuyển nhượng 19% cổ phần của Công ty Tân Thành.
Nguyễn Văn Minh là người chỉ đạo việc thực hiện tội phạm như: Chỉ đạo Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý chuyển nhượng 15% vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành cho người thứ ba trước khi Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng; chỉ đạo Trần Nguyên Vũ ký hợp đồng thuê Công ty thẩm định giá để xác định giá cổ phần của Công ty Tân Thành làm cơ sở chuyển nhượng, sau đó triệu tập cuộc họp HĐTV Tổng Công ty ban hành Nghị quyết mua không quá 20% vốn điều lệ theo tính toán của Trần Nguyên Vũ.
Sau khi nhận tiền thanh toán từ Tổng Công ty, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Nguyễn Thục Anh, Trần Đình Như Ý rút tiền và chuyển tiền trong đó có khoản tiền 215 tỉ đồng hoàn ứng cho cá nhân Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải đã tạm ứng trái quy định còn dư nợ trên sổ sách của Tổng Công ty đến khi Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương thành Công ty Cổ phần, số còn lại phân chia theo tỷ lệ sở hữu cá nhân của Nguyễn Văn Minh và Võ Hồng Cường để chiếm hưởng. Sau khi vụ việc bị phát hiện, để che giấu hành vi phạm tội, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo hủy bỏ hợp đồng mua bán chuyển nhượng 19% cổ phần nêu trên.
Các bị cáo Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý là đồng phạm trong vụ án nhưng có vai trò không đáng kể, thực hiện hành vi phạm tội do bị chi phối, tác động về tình cảm cá nhân.
Quá trình điều tra và xét xử tại phiên toà, các bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Các bị cáo đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
Theo đại diện VKS, với các tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà đủ cơ sở khẳng định VKSND tối cao truy tố các bị cáo: Nguyễn Văn Minh; Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải; Nguyễn Thục Anh; Võ Hồng Cường (Công ty Hưng Vượng); Trần Đình Như Ý (vợ Cường) về tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, không oan.