Lễ hội đua thuyền ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình dịp 2/9

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:34, 20/08/2022

Lễ hội đua thuyền tại phủ Quảng Ninh xưa và huyện Quảng Ninh ngày nay là một hoạt động văn hóa truyền thống, được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế kỷ. Từ đầu năm 2022, người dân Quảng Ninh càng vinh dự, tự hào hơn khi lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là một trong các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội đua thuyền ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã tồn tại hơn 500 năm, trải qua sự biến thiên, thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn không hề mai một. Dần dần, đua thuyền trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân Quảng Ninh.

Trước Cách mạng tháng Tám, lễ hội đua thuyền được tổ chức 6 năm/lần, hay còn gọi là lục niên cận độ. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi của nhân dân qua bao thế hệ.

1808.dua-thuyen.jpg
Lễ hội đua thuyền ở Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Cũng như nhiều vùng quê khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh là địa phương có phong trào đua thuyền phát triển, gắn với lịch sử hình thành phản ánh đời sống tâm linh và xã hội của vùng đất. Vai trò, ý nghĩa tâm linh của lễ hội đua thuyền được phản ánh qua nghi lễ “buông phao” mang tính nhân văn sâu sắc, như một nén hương tưởng nhớ và mong muốn siêu độ cho những người tử nạn trên sông nước. Theo các cụ cao niên ở những làng có nghề chài lưới, ngay từ đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước, cư dân vùng sông nước ở các làng Phú Bình, Phú Dụn, Phú Hào, Hỏa Lò, Trúc Ly… đã tổ chức lễ hội đua thuyền với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.

Bước vào thời đại mới hội nhập và phát triển, lễ hội lại có điều kiện mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng cũng như mục đích, ý nghĩa. Tuy nhiên, dù ở thời điểm nào, lễ hội đua thuyền truyền thống vẫn là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân nơi đây.

Gắn bó với những giai đoạn lịch sử của dân tộc, của vùng đất, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh cũng đi qua những bước thăng trầm, phát triển và biến đổi để phù hợp với bối cảnh lịch sử, đồng thời đã có sự thay đổi về thời gian cũng như một số hoạt động và phương thức tổ chức nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc địa phương, thể hiện tín ngưỡng tâm linh với mong muốn có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, một mùa đánh bắt thủy hải sản bội thu, mong muốn về sự đoàn kết, gắn bó và tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước.

Thục Anh (TH)