Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài: Cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 10:18, 19/08/2022
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều tối 19/8, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài”.
Hội nghị được tổ chức với điểm cầu trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương và các điểm cầu tại 62 cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Duy trì xuất siêu
Bộ Công Thương cho biết, trong công tác phát triển thị trường, nhất là thị trường ngoài nước, vai trò của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã góp phần mang đến nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế, trong đó có xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, đạt hơn 433,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,9%), kim ngạch nhập khẩuđạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt.
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỉ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó: Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 48,7%). Nhóm nông sản, thủy sản tăng 14,6% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,7%, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: Hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...
Chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp tại nước ngoài
Các thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, các thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Nhiều thương vụ đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại - đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.
Xây dựng, mở rộng, củng cố thị trường nước ngoài
Ghi nhận những đóng góp của các thương vụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Trong bối cảnh các hình thức thương mại đã thay đổi, không chỉ đơn giản là kết nối bán hàng, các cán bộ thương vụ là những đại sứ kinh tế của đất nước ở ngoài nước, là cụm “ăng-ten” để thu phát các thông tin từ chính sách của nước sở tại.
"Từ các thông tin mà các thương vụ cung cấp sẽ góp phần khuyến nghị chính sách và đề xuất phản ứng chính sách để bảo đảm quyền lợi của đất nước trong quan hệ kinh tế đối với nước ngoài, đặc biệt là chống lại sự đứt gãy của nguồn cung cả về vật liệu hàng hóa trong bối cảnh thế giới đã thay đổi. Như vậy, vai trò của thương vụ cũng phải thay đổi”, Bộ trưởng yêu cầu
Đối với hệ thống thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài, Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường sở tại để kịp thời kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương và phổ biến, hướng dẫn cho hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài.
Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường; không chỉ tập trung xúc tiến xuất khẩu mà còn xúc tiến nhập khẩu. Định hướng các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ các FTA mang lại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Xây dựng và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ ngành công thương giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương với các cơ quan quản lý, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng của nước sở tại thông qua vai trò cầu nối của các thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài.
Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện.
Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.
Cầu nối cho hàng Việt "bám rễ" tại thị trường nước ngoài
Ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia chia sẻ: Để phát triển thị trường trong tình hình mới, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách để có những sản phẩm phù hợp, có chất lượng tốt, duy trì chất lượng đồng đều; xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, từng bước đưa kèm vào thị trường song song với việc sản xuất, đóng gói, dán nhãn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối.
Nói về thị trường Saudi Arabia, ông Kim cho biết, thị trường này yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, thịt, các sản phẩm từ thịt, thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu, đồ uống, bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu ăn, chất béo cần có chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO); có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, có đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, có email cố định, kiên trì trong giao dịch với khách hàng khu vực, nóng vội sẽ mất đi cơ hội.
Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch thành lập văn phòng đại diện hoặc công ty liên doanh tại thị trường, điều này làm cho đối tác tích cực trong việc quảng bá, mở rộng thị trường sát với nhu cầu và thị hiếu của khách hơn.
Thời gian qua, Thương vụ đã xây dựng và phát huy có hiệu quả phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại Saudi Arabia với 140 doanh nghiệp có hàng mẫu trưng bày gồm các lĩnh vực nông sản (gạo, mỳ gạo, mỳ ăn liền, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, mật ong, thạch dừa, dầu dừa…), thực phẩm, cá hộp, nước sốt, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm, hàng may mặc, đồ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, vật tư y tế, than củi, trầm hương, du lịch,…
Thương vụ cũng thực hiện quảng bá hàng mẫu của các doanh nghiệp tới 10 tỉnh, địa phương Saudi Arabia; tổ chức hằng năm tuần quảng bá hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lulu.
Thương vụ cũng đã thành công trong việc đấu tranh, vận động bạn dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, hiện đã có 38 doanh nghiệp đánh bắt thủy sản được xuất khẩu sang thị trường Saudi Arabia, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng năm 2022 tăng 395% so với cùng kỳ năm 2021.
Thương vụ tại các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế (thương vụ) là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương và là một bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Thương vụ có chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.
Hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bao gồm 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh (kể cả 2 thương vụ là Iraq và Lebanon chưa triển khai). Số thị trường kiêm nhiệm: 55; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Số thị trường kiêm nhiệm: 60.
Ngoài ra, có một Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (một trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).