Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam nhận sai trước tòa
Pháp đình - Ngày đăng : 20:40, 15/08/2022
Chiều muộn 15/8, đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa công bố xong bản cáo trạng gần 100 trang trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu), truy tố 28 bị cáo về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”.
Sau đó, HĐXX đã tiến hành xét hỏi đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và các bị cáo khác.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Nam thừa nhận, mình đã ký hai quyết định năm 2012 và 2013 về việc giao hai khu đất và thu tiền sử dụng đất cho Tổng Công ty Bình Dương. Tuy nhiên, bị cáo Nam nói rằng, không còn nhớ rõ về nội dung liên quan nghĩa vụ tài chính trong các quyết định này. Bị cáo Nam chỉ nhớ các quyết định đó đều yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo luật định.
Công văn số 344 ngày 23/12/2012 do bị cáo Nam ký duyệt khi đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương là văn bản nêu về việc áp giá đất để tính tiền sử dụng khu đất 43 ha tại tỉnh Bình Dương.
Bị cáo Nam cho biết, mình ký các văn bản trên cơ sở nhận được tờ trình khá đầy đủ nội dung của Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Trong đó nêu, doanh nghiệp đã đóng tiền xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, bị cáo thấy các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Dương đã thẩm định nên mới ký duyệt.
Theo lời khai của bị cáo Nam, năm 2012, tỉnh Bình Dương đang tập trung tối đa để làm thành phố mới. Khi đó nghe có doanh nghiệp lớn nhận đất, giá bất động sản lại đang trùng xuống nên bị cáo rất mừng. Sau đó, bị cáo thấy tờ trình khá đầy đủ của Cục Thuế tỉnh Bình Dương nên tin tưởng và làm theo đề xuất của Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
Cũng theo lời khai của bị cáo Nam, ngoài văn bản của Cục Thuế tỉnh Bình Dương, bị cáo còn dựa vào văn bản tham mưu từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương. “Lúc bấy giờ, bị cáo rất tin văn bản Cục Thuế tỉnh Bình Dương là đúng. Tuy nhiên đến nay, bị cáo xem lại thì nhận thức được rằng việc áp dụng giá đất như các văn bản bị cáo đã ký được nêu trong cáo trạng là sai”, bị cáo Nam khai.
Liên quan hành vi chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương cho doanh nghiệp khác, bị cáo Nam khai, khi đó, bị cáo đã nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Tuy nhiên, đầu năm 2018, bị cáo biết đến vụ chuyển nhượng này. Đến khi có kết luận thanh tra thì bị cáo mới biết việc chuyển nhượng đất này là sai pháp luật.
Bị cáo Nam cho biết, tại cuộc họp giao ban ngày 17/4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương đã xem xét đề nghị của Tổng Công ty Bình Dương về việc chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Tân Phú. Hôm đó, bị cáo vẫn chưa biết khu đất 43 ha đã được chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú.
Trong vụ án này, Trần Văn Nam bị cáo buộc vi phạm pháp luật về đất đai, doanh nghiệp cùng các văn bản liên quan trong việc cho Tổng Công ty Bình Dương được nhận đất Nhà nước rồi chuyển cho tư nhân. Do đó, bị cáo Nam phải chịu trách nhiệm chính về những quyết định và chỉ đạo của mình dẫn đến thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước.
Cáo trạng của Viện KSNDTC xác định, bị cáo Nam và đồng phạm có sai phạm trong chuyển nhượng hai khu đất tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) và người thân còn lập các công ty “sân sau” gồm: Công ty Tân Thành, Công ty Phát Triển, Công ty Tân Phú.
Sai phạm đầu tiên của xảy ra từ năm 2011 khi Tổng Công ty Bình Dương xin được giao hai mảnh đất tại khu liên hợp tỉnh gồm 43ha đất xây khu dân cư Tân Phú và 145ha để xây sân golf, nghỉ dưỡng.
Hồ sơ gửi đến cơ quan thuế và bị cáo Lê Văn Trang (khi đó là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương) cùng thuộc cấp đã đề xuất đơn giá gần 52.000 đồng một m2 theo quy định. .
Nhóm bị cáo từng là cán bộ tại UBND tỉnh Bình Dương biết rõ, cơ quan thuế tỉnh lấy quy định của năm 2006 để áp cho năm 2012 là sai nhưng vẫn phê duyệt. Trong đó, bị cáo Nam “biết sai nhưng vẫn giao đất”. Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 761 tỷ đồng.
Sai phạm tiếp theo xảy ra từ năm 2015, khi Tổng Công ty Bình Dương thực hiện cổ phần hóa. Thời điểm đó, Tỉnh ủy Bình Dương ra văn bản yêu cầu chuyển khu đất 43ha nói trên về Công ty Impco (ban đầu là Công ty con của Tổng Công ty Bình Dương, nhưng từ năm 2016 trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Khu đất 145ha dự kiến xây sân golf được yêu cầu “phải giữ lại sai khi cổ phần hóa”. Các bị cáo được xác định đã làm ngược lại với động cơ chiếm đoạt, hưởng lợi rất lớn từ các khu đất.