Giải quyết vấn đề biển Đông bằng thương lượng hòa bình
Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN
Tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với người đồng cấp Hồ Cẩm Đào. Hai bên khẳng định tiếp tục mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nhà nước trên tất cả lĩnh vực. Tiếp tục các cuộc thăm viếng, làm việc cấp cao...
Ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Trong các văn kiện trên, có văn kiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Việt Nam và Trung Quốc.
Lễ ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo đó, Đoàn đại biểu Chính phủ hai nước nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhìn nhận đây không phải là toàn cục quan hệ Việt - Trung, nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với cả hai Đảng, hai nước, vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân tộc. Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, có lý, có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, nhất là khi hai nước đã có kinh nghiệm trong việc giải quyết hai vấn đề không kém phần nhạy cảm và phức tạp là phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền, và vấn đề phân định Vịnh Bắc bộ.
Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng cần nỗ lực tránh làm phức tạp tình hình và bình tĩnh xử lý những bất đồng, tiếp tục giải quyết trên cơ sở thương lượng hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế và đặc điểm quan hệ hai nước.
Còn với Ấn Độ, trả lời hãng thông tấn quốc gia PTI nước này trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng trong tình hình hiện nay, sự hợp tác chiến lược giữa hai nước cần được đẩy mạnh để đối phó các thách thức khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải… Chủ tịch nước cũng hoan nghênh Công ty dầu khí Ấn Độ ONGC hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam.
Các quan chức bang Karnataka đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay. Ảnh: Chinhphu.vn
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn mong muốn không ngừng củng cố, tăng cường hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược với Ấn Độ, trong đó có việc tăng cường giao lưu nhân dân vì hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Tại Hà Nội cũng diễn ra hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam và CHLB Đức đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược - cấp quan hệ mà Việt Nam đã ký trước đó với Trung Quốc, Ấn Độ và 5 quốc gia khác.
Theo thỏa thuận này, Việt-Đức sẽ tăng cường hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, tư pháp - pháp luật... Thủ tướng hai nước tuyên bố sẵn sàng xem xét khởi động cơ chế trao đổi mang tính chiến lược liên quan đến các vấn đề quốc phòng, an ninh… cùng quan tâm.
Tại Văn phòng chính phủ, Thủ tướng Việt Nam và người đồng cấp Đức đã ký thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.
Truyền thông các nước đã có nhiều bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Báo chí Đức ngày 11-10 đã đưa đậm tin về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Merkel, trong đó nhấn mạnh tới việc Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược và một chương trình hành động chung.
Tạp chí Focus (Tiêu điểm) cho rằng, với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Chính phủ Đức muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á. Theo quan điểm của Chính phủ Đức, với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam nằm trong số những nước mới nổi, ngay sau những nước được gọi là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), là những nước có tầm quan trọng đối với trật tự thế giới đa phương.
Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức cũng khẳng định sẽ ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế như LHQ.
Trong khi đó, Đài BBC nêu rõ các lĩnh vực hợp tác Việt Nam - Đức then chốt bao gồm chính trị chiến lược, thương mại đầu tư, tư pháp và pháp luật, phát triển và bảo vệ môi trường, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
P.Lan (tổng hợp)