Sẽ sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN
Chính trị - Ngày đăng : 17:35, 11/08/2022
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, dự luật tập trung vào 4 nhóm chính sách trọng tâm, gồm: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10/2023).
Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với việc sửa đổi này. 4 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đã được rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi.
Tuy nhiên, đi sâu phân tích cụ thể các nhóm chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị lưu ý, cân nhắc thận trọng việc sử dụng một số khái niệm mới (vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp...) bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW. Xem xét đánh giá tác động của việc thực thi Luật này sau khi được ban hành gắn với quy định của Luật Doanh nghiệp nhằm xác định chính sách quản lý phù hợp, đặc biệt là việc đầu tư vốn vào các công ty cổ phần, nhất là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Về nhóm chính sách liên quan đến cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, đề xuất chính sách cụ thể để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng “đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa”.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã chuẩn bị hồ sơ đề xuất bổ sung dự án Luật dày dặn, báo cáo thẩm tra tương đối kỹ lưỡng. Trên cơ sở phân tích các vấn đề liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc sửa đổi Luật hiện hành là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc đã thấy rõ trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý, thời gian qua, các Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được ban hành với nhiều quy định mới. Một số Luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý rà soát, nghiên cứu để bảo đảm thống nhất với các luật đã ban hành, cũng như dự án luật dự kiến sẽ xây dựng.
Qua xem xét hồ sơ, do nhận thấy còn nhiều vấn đề cần bổ sung, làm rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ Đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình xem xét trong các phiên họp tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, trong quá trình hoàn chỉnh, cần nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra và khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập.
Bên cạnh đó cần chú ý thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đất đai, quản lý Quỹ đổi mới và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp;
Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có liên quan; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; bảo đảm không trùng lặp nhưng cũng không để trống trong các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh.