Bộ trưởng VH-TT&DL: Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về lượng khách du lịch nội địa

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 17:32, 10/08/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, chiều 10/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn các ĐBQH.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội.

0.810-bt-nguyen-van-hung-tloi-2-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng  trả lời chất vấn.

Theo đó, nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhiều bộ, ngành địa phương khác bên cạnh những thuận lợi thì cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai nhiệm vụ. Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cử tri cả nước, Bộ đã nỗ lực hoàn thành trách nhiệm quản lý Nhà nước trên 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; quyết tâm chỉ đạo khá toàn diện ba trọng tâm trong công tác này.

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Về lĩnh vực du lịch, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển sau đại dịch Covid-19, với lượng khách nội địa tăng và lượng khách du lịch quốc tế bắt đầu được các địa phương tìm kiếm. Chúng ta đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu về lượng khách du lịch nội địa và tiếp tục phấn đấu chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế. Đáng quý hơn là cách tính toán mới nhằm tăng hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn này.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm sao để có tăng được lượng khách quốc tế? Làm sao để bảo đảm tính bền vững thu hút khách nội địa và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách? Du lịch để phải dựa trên những sản phẩm nào?… Đó cũng là bài toán đặt ra cho toàn ngành. Vì vậy mà đòi hỏi cần nhiều giải pháp.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

0810-nguyen-hoang-bao-tran-binh-duong-1-.jpg

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về vấn đề liên kết giao thông trong phát triển ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, câu hỏi của đại biểu đặt ra cho toàn ngành phải suy nghĩ. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không đơn thuần chỉ là du lịch phải được kết nối, liên kết với giao thông, với ngành công thương, ngành nông nghiệp và tất cả các ngành nghề khác chứ không chỉ riêng ngành du lịch tạo ra sản phẩm du lịch. Vì vậy, Bộ rất quan tâm đến việc liên kết giao thông thuận lợi.

Bộ trưởng cho biết, đối với thị trường quốc tế, ngành hàng không được xác định là ưu tiên số một, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa mở lại tất cả các đường bay đi đến các quốc gia, vùng lãnh thổ. Còn đường bay nội địa đã tăng trưởng vượt bậc nhưng không phải địa phương nào cũng có nên phụ thuộc vào tần suất bay, chuyến bay để hàng không Việt Nam khai thác.

Bên cạnh đó, giao thông đường bộ đang tiến hành kết nối vùng, trong đó Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm…. Các chính sách của Trung ương đang giao cho Bộ Giao thông và các cơ quan, địa phương để tổ chức thực hiện sẽ kết nối và tạo điều kiện kết nối về du lịch.

Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tham mưu trong công tác chỉ đạo để thực hiện liên kết. Tuy nhiên, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế liên kết vùng mà chỉ có sự liên kết với nhau để cùng các thế mạnh của từng vùng và du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phân công cho các cơ quan chuyên môn để theo dõi các lĩnh vực này, kết nối điểm đầu ra, đầu vào, kết nối tour, tuyến, kết nối các điểm đến của du lịch và thông qua các Giám đốc Sở Du lịch để tham mưu và ký kết thực hiện.

Quốc Huy