Ba điểm yếu của nguồn nhân lực du lịch
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:47, 10/08/2022
Tại Hội thảo định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đánh giá: “Hoạt động du lịch gặp muôn vàn khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Số khách nội địa hiện giảm hơn 50%, khách quốc tế giảm 90%, công suất buồng phòng giảm còn dưới 100%. Số lượng cơ sở đào tạo du lịch ngày càng gia tăng, năng lực đào tạo dù có cải thiện nhưng vẫn hạn chế”.
Ông Khánh thông tin: Tại cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ đạt 0,46 lao động/buồng. Một số nơi thiếu lao động cục bộ.
Do đó, ông Khánh đưa ra giải pháp chính: Về vấn đề công tác phát triển nguồn nhân lực khách sạn phải theo cơ cấu, đảm bảo số lượng, cân đối với cơ cấu ngành đáp ứng cạnh tranh và hội nhập. Doanh nghiệp (DN) cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, cơ quan quản lý đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích DN tham gia đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp.
GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), nhận xét: Việc trở lại của khách quốc tế còn chậm nên khách sạn 4-5 sao chưa thể hoạt động bình thường trở lại khiến lượng nhân lực “bỏ nghề mà đi”. Nguồn nhân lực của du lịch hiện nay có ba điểm yếu: Kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp.
Ông Hùng góp ý: “Đối với lao động có kỹ năng, trình độ, tôi đề xuất tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, ưu tiên phục vụ buồng, lễ tân với nguồn kinh phí từ cơ quan nhà nước hỗ trợ. Về phía cán bộ quản lý, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại là của DN. Còn về lao động mới tham gia cũng đề xuất tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, thời gian 1-3 tháng. Người lao động tham gia chương trình này sẽ không phải đóng góp kinh phí nhưng cam kết sẽ làm việc với một cơ sở lưu trú trên địa bàn”.
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), để đón lượng khách quốc tế trong thời gian tới thì nguồn nhân lực phải đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng.
“Về mặt sản phẩm du lịch cũng cần phù hợp với nhu cầu thị hiếu mới, như sản phẩm xanh, sản phẩm có lợi cho sức khỏe” - bà Bình nói.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng Bộ VH-TT&DL nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ DN để thu hút lực lượng lao động và hỗ trợ đào tạo. Cạnh đó, chỉ đạo phát triển mạng lưới chuyên gia ở tất cả ngành nghề trong du lịch và tổ chức chương trình đào tạo theo hướng chuyển đổi số.