Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ Công an điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu thông tin cá nhân

Chính trị - Ngày đăng : 09:37, 10/08/2022

Sáng nay 10/8, UBTVQH bắt đầu chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực của Bộ trưởng Bộ Công an.
2.cqh_1342-1-.jpg

Lựa chọn nội dung chất vấn phù hợp nguyện vọng của cử tri

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, ngày 10/8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là lần thứ hai Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 15 tổ chức hoạt động chất vấn sau phiên chất vấn lần đầu được tổ chức rất thành công vào tháng 4/2022.

Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, để lựa chọn đúng và trúng các lĩnh vực, vấn đề chất vấn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nguyện vọng của cử tri và nhân dân; trên cơ sở tổng hợp đề xuất chất vấn của 58 Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch.

cqh_1328.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, do thời gian chất vấn không nhiều, nội dung chất vấn không nhiều, nội dung của hai lĩnh vực có phạm vi rất rộng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao.

Sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, UBTVQH tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an, gồm: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại;

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; Việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo một số nội dung liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CAND và những nội dung chất vấn. Bộ trưởng cho biết, có nhiều vấn đề mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi những thiếu sót. Trên tinh thần cầu thị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết xin được lắng nghe ý kiến của các ĐBQH.

Điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt thông tin

Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) chất vấn về tình trạng vi phạm về thông tin cá nhân xảy ra rất lớn, đề nghị Bộ trưởng cho giải pháp?

Cùng nội dung chất vấn tương tự, ĐB Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn hỏi: Hiện nay các thông tin cá nhân được rao bán trên các hội nhóm, nền tảng công nghệ nhưng chưa bị phát hiện xử lý. Vậy biện pháp xử lý như thế nào?

nguyen-thi-thuy-bac-kan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung, tình trạng vi phạm xảy ra ở Việt Nam và thế giới khá phổ biến. Nguyên nhân hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Bộ Công an đang có giải pháp, trong đó có vấn đề pháp lý. Theo đó, Bộ trình Chính phủ ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện rất nhiều nước ban hành luật này. Việt Nam có Luật an ninh mạng, thì việc ban hành nghị định là phù hợp, cần thiết.

Bộ sẽ quyết liệt điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. Điển hình như Bộ Công an đang điều tra việc mua bán 30 triệu dữ liệu cá nhân nguồn gốc từ dữ liệu của Bộ GDĐT và một số nền tảng dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an hiện đang quản lý cơ sở dữ liệu cá nhân trong hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Xác định đây là những dữ liệu, tài nguyên của quốc gia phải được bảo mật và tổ chức triển khai ngay từ đầu rất nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh, an toàn. Thực hiện nghiêm ngặt việc bổ sung thông tin cư dân, cùng với sự phân cấp, phân quyền chặt chẽ từ trên xuống dưới.

Hiện nay tình trạng tấn công vào cơ sở dữ liệu về dân cư vẫn xảy ra. Nhưng qua kiểm tra các bộ ngành, địa phương mới xác định được 10 bộ ngành và có 33 địa phương là có thể đảm bảo an toàn kết nối dữ liệu thông tin dân cư.

Về ý kiến đại biểu Thủy chất vấn tình trạng mua bán giấy tờ giả diễn ra công khai trên mạng, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có nhiều đối tượng tạo lập Web quảng bá bán giấy tờ giả với mức giá 2-6 triệu đồng diễn ra công khai. Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triệt phá một số đường dây làm giả chứng chỉ lớn. Có những vụ thu giữ 1.500 con dấu, phôi giả, các công cụ chế tạo…

Qua đấu tranh đối tượng khai nhận có thể làm giả nhiều giấy tờ các trường đại học, cao đẳng, như bằng đại học, chứng chỉ và nhiều giấy tờ quan trọng khác.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức về vấn đề này; tham mưu các cơ quan chức năng trong việc rà soát về việc sử dụng văn bằng chứng chỉ giả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về đề nghị ngăn chặn xử lý nghiêm đưa tin không chính xác, phát tán video trên mạng, Bộ Công an đã rà soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội….Thực hiện các giải pháp ngăn chặn vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng cho hay.

bt-to-lam-tra-loi(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được. Mặc dù còn có những khó khăn vì có những đối tượng dựa vào những thông tin độc hại không đúng sự thật để đưa nhằm hưởng lợi từ những nhà cung cấp mạng này.... nhưng Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới phải có biện pháp chấn chỉnh.

Mai Thoa