PVEP, Cửu Long JOC: Kỳ vọng tạo bước đột phá về cơ chế khi Sửa đổi Luật Dầu khí
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:18, 05/08/2022
Tham gia đoàn công tác có ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trên 20 nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Tiếp đoàn, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Trịnh Xuân Cường - Trưởng ban Tìm kiếm thăm dò dầu khí Tập đoàn; ông Lê Anh Chiến - Phó Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn; ông Trịnh Việt Thắng - Thành viên HĐTV PVEP; ông Nguyễn Văn Quế - Tổng Giám đốc Cửu Long JOC.
Đoàn có công tác đã tham quan văn phòng làm việc, kho vật tư thiết bị của Cửu Long JOC tại Vũng Tàu, tìm hiểu về thiết bị khoan, khai thác, bảo quản mẫu địa chất và tham quan Cảng Dầu khí PTSC.
Qua đó, đoàn đã được giới thiệu thông tin về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nói chung và của Cửu Long JOC nói riêng.
Thay mặt Ban lãnh đạo Cửu Long JOC, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Quế đã báo cáo trước đoàn công tác khái quát về quá trình phát triển của Cửu Long JOC, về mô hình tổ chức, công tác quản trị, tình hình tài chính; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây và những năm tiếp theo.
Cửu Long JOC là liên doanh điều hành chung thuộc Lô hợp đồng dầu khí 15-1 trên thềm lục địa Việt Nam, được thành lập năm 1998, bao gồm các bên tham gia: PVEP, Perenco, KNOC, SK và Geopetrol. Kể từ ngày thành lập đến nay, Cửu Long JOC cũng như các bên đầu tư đã phát hiện nhiều cấu tạo tiềm năng, đưa vào khai thác hàng loạt các dự án phát triển mỏ bao gồm Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng.
Ông Nguyễn Văn Quế cho biết, trải qua 24 năm hình thành và phát triển, Cửu Long JOC đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tính đến hết năm 2021, Cửu Long JOC nộp ngân sách 11,9 tỷ USD, trong tổng doanh thu 27,3 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Cửu Long JOC đã hoàn thành chiến dịch lắp đặt bơm ngầm, thành công khoan thêm 2 giếng; kỳ vọng năm 2022, công ty sẽ nộp ngân sách 864 triệu USD. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Cửu Long JOC cũng sẽ cán cột mốc 400 triệu thùng dầu khai thác từ lô 15.1.
Cửu Long JOC vẫn đang tập trung các nhiệm vụ quan trọng như thúc đẩy phát triển tổng thể giai đoạn II mỏ khí Sư Tử Trắng, đảm bảo duy trì sản lượng khai thác dầu khí cho các năm tiếp theo; triển khai công tác tận thăm dò/thẩm lượng để bổ sung thêm trữ lượng khai thác tại lô 15-1 và hiện thực hoá triển khai kế hoạch phát triển/khai thác tận thu thứ cấp nâng cao hệ số thu hồi dầu khí.
Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức trong cả lĩnh vực kỹ thuật cũng như lĩnh vực thương mại, hợp đồng cho việc thực hiện khoan/sửa giếng,… Cửu Long JOC đã nỗ lực nghiên cứu, đề ra và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển mỏ.
Bên cạnh đó, các Ban điều hành dự án của PVEP cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc tồn tại trong quá trình hoạt động, như sản lượng dầu bắt đầu suy giảm do không được bổ sung thêm giếng khai thác mới; hợp đồng FPSO chưa được ký kết chính thức, khiến công việc sửa chữa bảo dưỡng thiết bị khai thác không được lên kế hoạch dài hạn, các hợp đồng cung cấp dịch vụ ngắn hạn không hấp dẫn các nhà thầu nên thường bị chào giá cao,...
Tại buổi làm việc với Cửu Long JOC, đoàn công tác cũng đã nghe giới thiệu về sơ lược về hoạt động của PVEP và Cửu Long JOC; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và những góp ý với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Hoạt động ở khâu đầu - tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lĩnh vực hoạt động của PVEP nói chung và Cửu Long JOC nói riêng chịu sự điều chỉnh rất lớn của Luật Dầu khí. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách.
Như với PVEP, giai đoạn 2007 – 2016, công ty thực hiện đầu tư đến 27 dự án nhưng từ 2016 trở đi sau khi điều chỉnh về hợp đồng dầu khí, cũng như những chính sách, pháp luật đầu tư, thì đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác giảm mạnh, giai đoạn 2016 – 2021 chỉ có khoảng 2 dự án đầu tư, quy mô cũng có sự giảm sút rõ rệt.
Do đó, trong quá trình các cơ quan chức năng lấy ý kiến sửa đổi Luật Dầu khí, PVEP, cũng như Cửu Long JOC và các nhà thầu đã rất nghiêm túc, tích cực tham gia góp ý, xây dựng luật, xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế, cũng như những đặc thù của ngành Dầu khí với đầu tư lớn, rủi ro cao.
Trong các kiến nghị, có hai kiến nghị lớn là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa các luật, như Luật Đầu tư, Luật xây dựng, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước; tăng các ưu đãi đầu tư, phù hợp với tình hình hiện trạng tài nguyên dầu khí của đất nước, như ngoài ưu đãi đầu tư với nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp, cần có thêm ưu đãi xét trên quy mô trữ lượng, với những dự án có trữ lượng nhỏ, kinh tế cận biên.
PVEP, Cửu Long JOC và các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự kỳ vọng rất lớn Luật Dầu khí sửa đổi sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, góp phần làm minh bạch, tạo bước đột phá về mặt cơ chế, để không bị tụt hậu so thế giới, khu vực, góp phần thu hút đầu tư từ bên ngoài, cũng như phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy đầu tư vào ngành dầu khí nói chung, đặc biệt là đầu tư ở lĩnh vực khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) nói riêng, tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền của đất nước.