Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:39, 08/08/2022

Bộ TT&TT cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021.

Ngày 8/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022.

tt-khong-tien-mat.jpeg
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, bộ đã phối hợp với các bộ ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.

Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có  khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.

Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.

Báo cáo cũng cho biết, doanh thu an toàn thông tin mạng đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm hệ sinh thái an toàn thông tin mạng đạt 95,5%. Tỷ lệ sản xuất/nhập khẩu tháng 6/2022 đạt 72,6%.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Trong đó, qua điện thoại di động và QR Code có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất: qua điện thoại di động tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị, qua QR Code tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trang Nhi