Vai trò cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:48, 08/08/2022

Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Chính vì thế, việc tổ chức sự kiện luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng. Trong đó, việc huy động cộng đồng phải đặt quyền lợi và lợi ích cộng đồng lên trên hết.

Nhận diện vai trò của cộng đồng

Cộng đồng có vai trò đặc biệt trong việc tổ chức các sự kiện để vừa tạo ra bản sắc độc đáo của văn hóa địa phương, vừa kích thích sự chủ động, tích cực của người dân trong việc tổ chức và tham gia sự kiện. Tuy nhiên trong việc huy động cộng đồng cần phải hết sức quan tâm đến quyền lợi và lợi ích của chính cộng đồng đó. Nếu đáp ứng tốt điều đó thì vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho nhà tổ chức và cho cả cộng đồng. Ngược lại, nếu không đáp ứng được cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, dẫn đến tình trạng chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, phải coi môi trường văn hóa dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (thực hành văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức...) bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất.

1.jpg

Việc huy động cộng đồng tổ chức sự kiện góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định: “Để phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, thì các sự kiện phải huy động được sự tham gia của các cộng đồng và tôn trọng sự sáng tạo của cộng đồng. Tuy nhiên, cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức sự kiện từ đầu. Khi đó, họ sẽ tạo ra những dấu ấn chân thành, mộc mạc, chân thực của riêng họ. Đây là yếu tố khẳng định giá trị văn hóa dân gian từ ngàn đời cha ông để lại”.

Có thể thấy, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là một bối cảnh chưa hẳn đã hoàn toàn giống với môi trường địa phương. Việc xây dựng các cơ sở vật chất tại đây đã được chú ý đến những đặc thù, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên “Làng” cũng là một môi trường diễn xướng và tổ chức sự kiện của các cộng đồng. Chính vì thế, người đồng bào được mời đến sinh sống tại “Ngôi nhà chung” sẽ có cảm giác xa lạ nhất định.

Để tạo sự gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số về Làng sinh hoạt, Ban Quản lý Làng Văn hóa những năm qua đã tạo ra những bối cảnh nhất định để người dân phát huy được hết sức sáng tạo như những gì họ thể hiện ở chính bản, làng nơi họ sinh và lớn lên.

Sự đa dạng các nền văn hóa đã tạo nên những môi trường văn hóa khác nhau với những chủ thể văn hóa cụ thể. Văn hóa Việt Nam là văn hóa của cộng đồng các tộc người được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử. Mỗi tộc người có đặc trưng về văn hóa và những sáng tạo riêng góp phần làm nên tính đa dạng, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Vì vậy, tôn trọng tính đa dân tộc để phát triển cũng như bảo tồn bản sắc, văn hóa dân tộc là trách nhiệm của toàn xã hội.

Phát huy thế mạnh

Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vi Thanh Hoài, sau 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo được các cấp, các ngành và người dân chủ động thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều nội dung đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành việc làm hàng ngày, thường xuyên của người dân.

Từ cá nhân, gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, lấy đó làm động lực thúc đẩy các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Một diện mạo đời sống văn hóa mới từng bước được hình thành. Đặc biệt, những chuyển biến rõ nét là việc xây dựng gia đình văn hóa - tế bào của xã hội, với những truyền thống tốt đẹp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền... ngày càng được phát huy, nhân rộng.

2.jpg

Tuy nhiên, cũng theo bà Vi Thanh Hoài, ở Việt Nam, sau một thời gian dài, trình độ dân trí của các cộng đồng đã khiến cho các cộng đồng không mang tính cố kết, không thể hiện sự thống nhất và đặc biệt là không thể hiện trí tuệ tập thể để có thể đại diện cho một chủ thể văn hóa nhất định.

Điển hình như hương ước đóng vai trò như một nguyên tắc định hướng chung mà cộng đồng thôn bản, buôn làng phải tuân theo. Song hiện nay, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập, dẫn đến tình trạng nhiều chuẩn mực nếp sống văn hóa của thôn bản, buôn làng không được cộng đồng thực hiện nghiêm túc.

Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn luôn được quan tâm, các thiết chế văn hóa từ Trung ương tới địa phương từng bước được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng và có nhiều đổi mới, cải thiện cả về cơ sở vật chất lẫn phương thức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân.

Sau nhiều năm gây dựng và phát triển phong trào, Hà Nội đã có nhiều khởi sắc trong việc đưa đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vươn lên tầm mức mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của những mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" có nhấn mạnh đến việc xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh, gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; đồng thời, phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố, xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở...

Kim Truyền