Vấn đề pháp lý trong vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:35, 07/08/2022

Luật sư cho rằng, Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận tử vong là hoạt động ban đầu của cơ quan tiến hành tố tụng, xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra...

Như Báo Công lý đã thông tin, ngày 7/8, Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một quân nhân điều khiển ô tô va chạm giao thông khiến một nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận tử vong.

Được biết, Quyết định khởi tố cũng được cơ quan trên thông báo, gửi đến Công an TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Viện Kiểm sát quân sự Khu vực 2 (Quân chủng Phòng không - Không quân) theo quy định.

nu-sinh-lop-12-bi-tai-nan.jpg
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh lớp 12 tử vong

Theo thông tin, khoảng 08h10 sáng 28/6, quân nhân Hoàng Văn Minh (Thiếu tá, Trợ lý Tài chính thuộc Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân) điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 85A-074.07 lưu thông trên đường 16/4 theo hướng từ biển Bình Sơn đi Quảng trường 16/4.

Khi đến gần cổng Ngân hàng Vietinbank Ninh Thuận, ông Minh chuyển hướng sang phải để vào ngân hàng và đã va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 85R9-1279 do nữ sinh Hồ Hoàng Anh điều khiển đi cùng chiều.

Hậu quả khiến nữ sinh Hồ Hoàng Anh bị ngã xuống đường, va vào trụ đèn chiếu sáng trước cổng Ngân hàng Vietinbank dẫn đến tử vong.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Huế (đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều uẩn khúc liên quan đến vụ tai nạn như: quy trình xét nghiệm nồng độ cồn đối với nạn nhân, người gây tai nạn là quân nhân thừa nhận có sử dụng điện thoại trong lúc lái xe …

Theo luật sư Huế, do người gây ra tai nạn là quân nhân nên việc Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo trình tự là đúng thẩm quyền và đúng quy định. Việc cơ quan điều tra hình sự quân đội khởi tố vụ án là hoạt động ban đầu của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết việc đánh giá bên nào có lỗi khiến vụ tai nạn xảy ra, phải căn cứ vào nhiều tình tiết chứng cứ để xác định tốc độ của 2 xe trước khi va chạm, xác định vị trí va chạm và khả năng quan sát, khả năng điều khiển hành vi của người điều khiển ô tô cũng như người đi xe máy. Do đó, việc cơ quan điều tra hình sự khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ các uẩn khúc liên quan đến vụ tai nạn là kịp thời, đúng trình tự.

Trường hợp có căn cứ xác định quân nhân vi phạm pháp luật, gây tai nạn giao thông, ngoài trường hợp bị xử lý hình sự, quân nhân có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất về Đảng và kỷ luật quân đội.

Cho rằng cần phải làm rõ việc sai sót trong xét nghiệm nồng độ cồn đối với nữ sinh bị tai nạn, luật sư Cường, cho biết: Trong những vụ tai nạn nghiêm trọng, việc xác định sai nồng độ cồn là điều không được phép xảy ra, đặc biệt đối với kết quả của nạn nhân trong vụ tai nạn. Bởi vậy, Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ sai sót này là do lỗi vô ý hay có chủ đích của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Trường hợp đây là lỗi vô ý, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng mà hành vi gây ra, những cá nhân liên quan có thể bị xem xét kỷ luật theo quy chế của bệnh viện cũng như điều lệ của ngành y tế.

Trường hợp sai sót là cố ý, có chủ đích, ông Cường cho rằng cần làm rõ có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ việc để xử theo quy định của pháp luật.

Trường hợp các cá nhân liên quan thuộc các đối tượng theo luật định; cố tình làm sai lệch kết quả nhằm tạo chứng cứ giả mạo để đổ lỗi cho nạn nhân hoặc gây ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ việc, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015.

“Khoản 1, Điều 375 quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù 1-5 năm, luật sư Cường nêu ý kiến.

Hà An