Hà Nội bố trí hơn 11.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa
Đời sống - Ngày đăng : 22:15, 04/08/2022
Chiều 4/8, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội, chủ trì hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, ngày 8/4/2022, của HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, thành phố dự kiến đầu tư 3 lĩnh vực, trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, là 49.203 tỷ đồng cho 1.469 dự án.
Trong đó, lĩnh vực giáo dục gần 21 nghìn tỷ đồng cho 653 dự án; lĩnh vực y tế hơn 14 nghìn tỷ đồng cho 237 dự án; lĩnh vực di tích hơn 14 nghìn tỷ đồng cho 579 dự án.
Giai đoạn năm 2021-2022, thành phố đã bố trí vốn là hơn 11.291 tỷ đồng để thực hiện các dự án của 3 lĩnh vực.
Cụ thể, đã bố trí kế hoạch đầu tư vốn 1.204,202 tỷ đồng thực hiện 20 dự án cấp thành phố. Hiện, còn 216 dự án cấp thành phố chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa và Thể thao rà soát và đề xuất phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đề xuất dự án.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã hỗ trợ quận, huyện là 10.087,1 tỷ đồng để thực hiện 596 dự án thuộc kế hoạch 3 lĩnh vực trên; hiện còn 637 dự án cấp quận huyện quản lý chưa đủ thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, trong đó, một số quận, huyện, thị ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng nhiệm vụ.
Ông Tuấn yêu cầu bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo quy chế hoạt động, thành lập tổ giúp việc; các quận, huyện còn lại cũng sớm thành lập Ban Chỉ đạo, sát sao đầu việc, để thúc đẩy nhanh các dự án; các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo cập nhật về tiến độ để dễ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.
“Quá trình triển khai, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc, đảm bảo các nhiệm vụ thật hiệu quả, dự án đạt chất lượng”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.