Liên hợp quốc đánh giá cao các cam kết chống biến đổi khí hậu của Việt Nam
Chuyển động - Ngày đăng : 14:48, 04/08/2022
Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định Liên hợp quốc là đối tác tin cậy vì hòa bình, hợp tác và phát triển, luôn đồng hành cùng Việt Nam qua các giai đoạn phát triển của đất nước. Thứ trưởng đồng thời nhắc lại lời mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào thời gian sớm nhất.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chia sẻ những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, cho biết ông rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của Liên hợp quốc, nhất là các cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông khẳng định sẽ nỗ lực thu xếp thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp trong năm nay.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí cần tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc và phát huy vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, trong đó có duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đã có tiếp xúc song phương với đại diện các nước bạn bè khu vực Caribe, các nước đang phát triển và có các cuộc làm việc với các Trợ lý Tổng Thư ký và lãnh đạo Liên hợp quốc phụ trách về chính trị-an ninh và pháp lý.
Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ngày 1/8 đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc sau hơn 2 năm bị hoãn do đại dịch Covid-19. Hội nghị NPT lần này sẽ diễn ra từ ngày 1/8 đến hết ngày 26/8.
Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 đóng vai trò trung tâm của các cơ chế không phổ biến với 3 nội dung trụ cột là: chống phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Hiệp ước NPT có 191 thành viên; 5 nước không phải thành viên là Ấn Độ, Israel, Pakistan, Nam Sudan và Triều Tiên (rút khỏi NPT năm 2003).
Kể từ khi NPT có hiệu lực năm 1970, Hội nghị Kiểm điểm NPT được tổ chức 05 năm một lần nhằm bàn về các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện và tăng cường tính phổ cập của Hiệp ước, trong đó năm 1995 Hội nghị đã thông qua việc gia hạn vĩnh viễn Hiệp ước NPT.
Năm 2020 dự kiến tổ chức Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến Hội nghị bị hoãn nhiều lần và chuyển sang tháng 8/2022.