Giảm gần 9.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 11:31, 04/08/2022
Tổng cục Thuế vừa có báo cáo cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý trong tháng 7 và 7 tháng từ đầu năm, trong đó ghi nhận số thu thuế tháng gần nhất tiếp tục xu hướng tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng tháng 7, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã đạt 122.500 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán và tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng từ đầu năm, tổng thu ngân sách ngành thuế quản lý đã đạt 911.027 tỷ đồng, tương đương 77,5% dự toán và tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng số thu nội địa là 868.008 tỷ, bằng 75,7% so với dự toán năm và cao hơn 15% cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thuế, mức tăng thu kể trên có được là nhờ tình hình kinh tế trong nước tiếp tục khởi sắc do kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang phát huy tác dụng.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP hai quý đầu năm đạt 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của cùng kỳ năm 2021 và 2,04% năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 8,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%...
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đã tăng 16% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi tích cực với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đạt 954.000 lượt, gấp 10 lần cùng kỳ... Các yếu tố này đã góp phần tăng thu ngân sách từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cho biết việc tăng thu ngân sách từ thuế kể trên còn diễn ra trong bối cảnh nhiều chính sách miễn, giảm thuế được áp dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh nhưng làm giảm thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ.
Trong đó, riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 đã làm giảm thu ngân sách 7 tháng khoảng 8.909 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách kể trên, Tổng cục Thuế cho biết việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng làm giảm thu ngân sách 763,5 tỷ; chính sách giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo Thông tư 120/2021 của Bộ Tài chính làm giảm thu khoảng 900 tỷ; giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 15/2022 của Chính phủ làm giảm thu ngân sách 12.000 tỷ; chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406/2021 và Nghị định 92/2021 làm ngân sách giảm thu 6.453 tỷ; chính sách giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021 làm giảm 6.554 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, gia hạn thuế theo Nghị định 34/2022 cũng làm giảm số thu ngân sách 7 tháng từ đầu năm trên 43.000 tỷ đồng.