Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:55, 04/08/2022

với chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đối với dịch COVID-19 thì sự giao lưu, đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực là 1 trong những lý do nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định.
nguy-co-benh-dau-mua-khi-xam-nhap-nuoc-ta-la-hoan-toan-co-the.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đánh giá về việc xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam và biện pháp phòng chống dịch bệnh này tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đại diện Bộ Y tế cho biết, đậu mùa khỉ được ghi nhận ca bệnh đầu tiên ở người vào năm 1970 và chỉ lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi. Tuy nhiên từ tháng 5/2022 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, ghi nhận tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Bệnh gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ có ca bệnh. Đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố sự bùng phát của dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7, đã ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và đặc biệt là quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện nay, với chính sách mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả đối với dịch COVID-19 thì sự giao lưu, đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực là 1 trong những lý do nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, từ tháng 5/2022, Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống và đã liên tục liên hệ với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế để cập nhật, trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh. Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp thì ngày 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, CDC Hà Nội, các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn của ngành y tế để thảo luận về tình hình dịch bệnh cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống.

Việt Nam được đánh giá, phân loại là nhóm 1, quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng ngay lập tức Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn về điều trị, giám sát các trường hợp bệnh đậu mùa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo và ban hành Công điện số 680 ngày 1/8/2022 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, nêu rõ biện pháp phòng chống dịch đậu mùa khỉ hiện nay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cụ thể:

Một là, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia, tăng cường cưỡng chế phối hợp chuyên ngành giữa Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để tăng cường sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Hai là, theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát phòng chống dịch ngay tại cửa khẩu, tại cộng đồng và tại các cơ sơ y tế. Xử lý kịp thời ổ dịch, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong, ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, chi phí để triển khai các biện pháp phòng chống, tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh.

Ba là, xây dựng kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; tăng cường năng lực xét nghiệm, chuân đoán, xác định. Tập huấn cho cán bộ y tế.

Bốn là, tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đề phòng dịch bệnh; khuyến cáo người dân chủ động khai báo cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tại địa phương để tư vấn, hỗ trợ người dân.

Thực tế ngay sau buổi họp khẩn cấp của Bộ Y tế, Bộ cũng đã có thông tin gửi đến báo chí cũng như các biện pháp khuyến cáo đến người dân.

Năm là, tăng cường đôn đốc các biện pháp kiểm tra việc giám sát phát hiện xử lý ổ dịch và các biện pháp dự phòng cũng như điều trị, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện vật tư, thuốc phù hợp cho công tác phòng chống dịch.

Liên quan đến kết quả tiêm vaccine mũi 4 hiện nay và việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi và giải pháp sắp tới của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian qua, công tác triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và Bộ Y tế đã chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh để lãng phí vaccine.

Kết quả tiêm chủng đến ngày 3/8, số người đã tiêm mũi 4 trên toàn quốc là 9.703.299 mũi tiêm, đạt 50,6%, trong đó có 9 tỉnh đạt tỉ lệ trên 80%. Trong 9 tỉnh này có 3 tỉnh đạt tỉ lệ cao nhất là Điện Biên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long. Có 29 tỉnh có tỉ lệ dưới 50%, trong đó 3 tỉnh có tỉ lệ thấp nhất là Sơn La, Đắk Lắk, Nghệ An.

Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tính đến ngày 3/8, mũi 1 đạt 70%, mũi 2 đạt 38%. Theo tính toán của các cơ quan ngành y tế, tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 nửa cuối của tháng 7 đã tăng hơn 30%, gần 40% so với nửa đầu của tháng 7. Để tăng cường tốc độ tiêm chủng, đặc biệt là để hoàn thành mục tiêu đặt ra với tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành trong tháng 8/2022, thì các giải pháp trong thời gian tới là:

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 664 ngày 25/7/2022, trong đó phải đảm bảo cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng COVID-19.

Các địa phương phải triển khai quyết liệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu và đối với những địa phương nào không đạt được mục tiêu, để tốc độ tiêm chậm thì Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phát động chiến dịch tiêm chủng, đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vaccine, hiệu quả của tiêm vaccine, tập trung truyền thông về tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao, có bệnh lý nền, kể cả trẻ em; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến tận địa bàn dân cư, công khai các điểm tiêm vaccine. Và trong Công điện cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cũng như tăng cường truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của tiêm vaccine để đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.

Ngọc Mai