Bé trai chào đời mắc bệnh giang mai bẩm sinh
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:09, 03/08/2022
Cháu bé mới 46 ngày tuổi ở Hải Dương, được bố mẹ đưa đến bệnh viện khám vì bong da tay chân, quấy khóc không rõ nguyên nhân.
Bé là con thứ 2, được sinh thường ở bệnh viện huyện. Lúc chào đời, bé nặng nặng 3kg, bú mẹ hoàn toàn, tăng cân tốt. Bé bị bong da tay, da chân ngay sau sinh.
Đặc biệt, khoảng 3 ngày trước đi khám, bé khóc quấy nhiều mà không biết nguyên nhân do đâu. Vì quá lo lắng và nóng ruột nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) thăm khám.
Qua lý do đi khám và thực tế thăm khám, bác sĩ thấy có hội chứng nhiễm trùng và tổn thương da là các vết bong da tay, chân. Má trái sẩn đỏ, kích thước khoảng 0,5cm. Miệng có tổn thương loét. Ngoài ra, khám các cơ quan, bộ phận khác không phát hiện gì đặc biệt.
Bằng kinh nghiệm khám chữa bệnh, ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi, giải thích cho gia đình nguyên nhân gây những bất thường của bé nghĩ nhiều do giang mai bẩm sinh.
Sau đó, bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm: tổng phân tích máu, CRP, GOT, GPT, ure, creatinine; các xét nghiệm HBsAg, HCV Ab, HIV, TPHA định lượng và siêu âm thóp.
Kết quả xác định bé bị giang mai bẩm sinh. Bố mẹ bé cùng làm xét nghiệm, kết quả cho thấy đều dương tính giang mai. Hiện, bé đã được điều trị ổn định.
Bác sĩ Cam cho biết, giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục. Người bệnh thường không biết về căn bệnh này và vô tình lây cho người khác. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ mẹ sang con và truyền máu.
Việc lây bệnh qua tiếp xúc da tiếp da có thể có gặp nhưng rất hiếm, do tổn thương của giang mai là ở bộ phận sinh dục.
Khi mang thai, người mẹ mắc bệnh lý này có thể lây truyền sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai.
Em bé sinh ra mắc giang mai bẩm sinh có thể không có triệu chứng gì trong vài tuần đầu sau sinh, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đục thủy tinh thể, điếc, viêm màng não,…
Theo các bác sĩ, mẹ mắc giang mai thời kỳ mang thai có thể mắc biến chứng khác như sẩy thai, thai lưu, đẻ non hay sinh con nhẹ cân,.. Trẻ sơ sinh cũng bị nhiễm khuẩn giang mai khi người mẹ sinh thường qua ngả âm đạo.
Giang mai là bệnh điều trị được bằng kháng sinh và có thể phòng ngừa. Các bác sĩ khuyến cáo khi có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc tình dục không an toàn, cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ.
Thai phụ cần khám thai định kỳ trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ, bởi giai đoạn này có thể phát hiện được bệnh. Cùng đó phải thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm phản ứng huyết thanh trong thai kỳ.