Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc): Phản ứng của một số quốc gia và vùng lãnh thổ

Chuyển động - Ngày đăng : 14:07, 03/08/2022

Tối 2/8, máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Sự kiện này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giới chính khách.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang thực hiện chuyến công 4 nước châu Á gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trước đó, hôm 31/7, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ ra thông cáo báo chí về chuyến công du châu Á của bà Pelosi, song không đề cập điểm đến Đài Loan (Trung Quốc) như một số đồn đoán trước đó.

nancy-pelosi-tham-dai-loan.jpg
Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan (Trung Quốc) Ngô Chiêu Nhiếp tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, ngày 2/8. Nguồn: Reuters

Tối 2/8, máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Trước khi tới Đài Loan (Trung Quốc), bà cùng đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ đã đến Malaysia, chặng dừng chân thứ hai sau Singapore trong khuôn khổ chuyến công du châu Á.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã đã ra tuyên bố về chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Nancy Pelosi, Tân Hoa xã đưa tin.

Tuyên bố cho rằng, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã ảnh hưởng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Mỹ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc" và những điều khoản của 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

3-2424-1659458205.jpg
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (áo hồng) sau khi xuống máy bay tại sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, Đài Loan.  

Tuyên bố nhấn mạnh cách đúng đắn để giải quyết quan hệ giữa hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc là phải trên cơ sở "tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, không đối đầu và hợp tác cùng thắng".

Ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Trước đó, kể từ khi có thông tin về khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan (Trung Quốc), Bắc Kinh liên tục phát đi thông điệp phản đối cứng rắn tới Washington.

Liên quan đến sự kiện này, một số quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra phản ứng. 

Về phía Đài Bắc, cơ quan đối ngoại của Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho thấy “sự ủng hộ vững chắc” của Washington.

Theo tuyên bố, chuyến thăm của bà Pelosi “sẽ tăng cường mối quan hệ thân thiết và hữu nghị giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên toàn cầu giữa hai bên trong mọi lĩnh vực”.

Về phía Bình Nhưỡng, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 3/8 đã chỉ trích “sự can thiệp” của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tiến hành chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc).

Còn Bộ Ngoại giao Nicaragua ra tuyên bố, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng chủ quyền, độc lập và ý chí của các dân tộc, nhấn mạnh rằng đây là yêu cầu “chính đáng, đúng đắn và cần thiết”; đồng thời nêu rõ “công việc nội bộ của một quốc gia là thiêng liêng đối với tất cả”.

Khi được hỏi về căng thẳng Trung-Mỹ do chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong buổi họp báo mới nhất, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric khẳng định: “Điều duy nhất tôi sẽ nói... chính sách của Liên hợp quốc về vấn đề này là theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên hợp quốc từ năm 1971 về Một Trung Quốc”.

Nghị quyết của Liên hợp quốc, được thông qua hồi tháng 10/1971, công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên hợp quốc".

Ngày 3/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình eo biển Đài Loan hiện nay.

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Nhật Minh