Xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ hành vi ứng xử
Giao thông - Ngày đăng : 14:16, 01/08/2022
Ngày 31/7, buổi toạ đàm “Những ứng xử cần tuyên truyền xây dựng văn hoá giao thông” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sự tham dự của nhiều chuyên gia về văn hóa và những nhà nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT).
Buổi tọa đàm là điểm khởi đầu trong đề án xây dựng Văn hóa giao thông “Vì hạnh phúc của gia đình Việt” do Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp các chuyên gia ATGT Viện Khoa học Cảnh Sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân thực hiện, nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong cộng đồng và trong mỗi gia đình Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn mở đầu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, cho rằng văn hóa giao thông là một phần của xã hội, và văn hóa giao thông được hiểu là những thói quen khi tham gia giao thông - phản ảnh văn hóa, phản ánh xã hội Việt Nam. Xã hội nào thì giao thông đó - Giao thông nào thì xã hội đó. Nhìn giao thông Việt Nam có thể hiểu được phần nào tính cách con người, xã hội và văn hóa Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng chỉ ra thực trạng nhức nhối của văn hóa giao thông và tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận 3.314 người chết vì tai nạn giao thông, mỗi ngày có khoảng 19 người chết. Giao thông ở Việt Nam là mối quan ngại lớn nhất của khách du lịch quốc tế. Giao thông cũng phần nào tác động đến hình ảnh tươi đẹp, thân thiện và hiếu khách của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên. Đó là nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ khiến các loại phương tiện phải đi chung một làn đường gây ra tình trạng tắc ngẹn giao thông thường xuyên ở các đô thị lớn. Về mặt chủ quan do nhận thức của người tham gia giao thông phần đông chưa cao dẫn tới những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, vi phạm luật giao thông trở nên phổ biến.
Tại buổi toạ đàm các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập phân tích và đưa ra những nhận định thông qua những tình huống quen thuộc khi tham gia giao thông bắt gặp trong cuộc sống như xả rác bừa bãi khi tham gia giao thông, không tuân thủ luật giao thông, không tôn trọng những người xung quanh và sử dụng phương tiện giao thông để vi phạm pháp luật.
Trao đổi về về đề tài đảm bảo an toàn giao thông, PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, nhận định bên cạnh những người có ý thức tham gia giao thông thì vẫn còn rất nhiều hành vi chống đối, qua mặt lực lượng chức năng hoặc thậm chí lách luật của người tham gia giao thông, gây mất ATGT và phản cảm cho cộng đồng. Đây là hệ quả của ý thức trong bộ phận những người tham gia giao thông. Luật pháp đã có nhưng lực lượng mỏng và dàn trải trên diện rộng nên đâu đó trong quá trình xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Trong quá trình xử lý vi phạm ATGT chưa tranh thủ được sự đồng thuận và vào cuộc của người dân.
Thông qua những nhiều tình huống vi phạm pháp luật trong linh vực giao thông, PGS.TS. Lê Huy Trí - Phó viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân, chia sẻ thêm những tình huống có thể xảy ra, người dân có thể bắt gặp hoặc bản thân vô tình phạm phải mà không biết. Ông cho rằng, người tham gia không chỉ tuân thủ luật giao thông, mà còn phải biết chia sẻ với người tham gia giao thông gặp nạn, hay gặp sự cố khi tham gia giao thông.
PGS.TS. Lê Huy Trí dẫn chứng nhiều trường hợp, người tham gia giao thông nếu không kịp thời chia sẻ giúp đỡ người bị tai nạn giao thông, người đang trong tình huống nguy cấp cần được sự giúp đỡ thì cũng vi phạm pháp luật. Việc kịp thời hỗ trợ giúp đỡ người cùng tham gia bị tai nạn hoặc bị hư hỏng phương tiện là một biểu hiện của văn hóa. Tuy nhiên, người giúp đỡ người khác khi tham gia giao thông cũng cần phải có nhận thức đầy đủ về pháp luật trong việc làm của mình. Không thể vì muốn giúp đỡ hết xăng, phương tiện hư hại bằng việc nhiệt tình vừa điều khiển giao thông vừa đẩy xe giúp người khác.
Mở rộng thêm vấn đề nêu trên, PGS.TS Đinh Công Tuấn - Phó hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội, cho rằng trong xã hội xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy nên người tham gia giao thông đã bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ của những nạn nhân. Bên cạnh đó, có những kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn. Hành động đó không chỉ dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức trong xã hội mà còn được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu dự đã dành thời gian thảo luận về các luận điểm làm sáng rõ các vấn đề văn hóa giao thông là ý thức tự giác tuân thủ luật giao thông, văn hóa giao thông là không xả rác hay gây cản trở giao thông, văn hóa giao thông là tôn trọng mọi người xung quanh, văn hóa giao thông là chủ động giúp đỡ người khác khi cần thiết, văn hóa giao thông nói không với nồng độ cồn, văn hóa giao thông là mỉm cười và chủ động xin lỗi, văn hoa giao thông là xe lớn nhường xe nhỏ, phương tiện nhường người đi bộ.
Các tham dự viện tọa đàm đã thống nhất nhận định “Văn hoá giao thông” là những hành động “có văn hoá”, những hành động đẹp khi tham gia giao thông. Văn hoá giao thông có quan hệ khăng khít với pháp luật về giao thông, trước hết là hành động tuân thủ pháp luật giao thông, song nó là những hành vi ứng xử có văn hoá hơn những điều được quy định trong luật. Tuân thủ Luật khi tham gia giao thông là một trong những động thái góp phần xây dựng văn hóa. Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa. Muốn hình thành thói quen này, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh việc xây phải đi đôi với chống đó là xây dựng những chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.