Bệnh đậu mùa khỉ: Tổng thống Biden dự kiến tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng

Chuyển động - Ngày đăng : 22:54, 28/07/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với căn bệnh đậu mùa khỉ trong vài ngày tới; Mỹ dự kiến đưa bệnh đậu mùa khỉ thành bệnh phải khai báo toàn quốc từ ngày 1/8; Australia tuyên bố đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm quốc gia; trong khi tại Canada, 99% số người mắc bệnh đậu mùa khỉ là nam giới…

Ngày 27/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Mỹ cho biết có kế hoạch đưa bệnh đậu mùa khi đang lây lan nhanh chóng thành bệnh phải khai báo trên toàn quốc.

Dự kiến quyết định có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, số liệu về các ca bệnh của các bang sẽ được cập nhật theo tiêu chuẩn lên CDC, từ đó cho cho phép CDC theo dõi và đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ cả sau khi đợt dịch hiện nay giảm. Tính đến ngày 26/7, trên 3.500 ca bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại Mỹ.

my27722.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với căn bệnh đậu mùa khỉ trong vài ngày tới

Theo quyết định, các bang sẽ được yêu cầu báo cáo các ca đậu mùa khỉ đã được xác nhận hoặc nghi nhiễm trong vòng 24 giờ. CDC yêu cầu chia sẻ số liệu cả trước khi việc điều tra một ca bệnh hoàn tất.

Các sở y tế bang hiện không được yêu cầu cung cấp cho chính phủ liên bang số liệu theo tiêu chuẩn về bệnh đậu mùa khỉ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với căn bệnh đậu mùa khỉ trong vài ngày tới.

Ông nói: "Theo đánh giá của WHO, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ là vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ khu vực châu Âu có nguy cơ cao".

Nếu Tổng thống Biden cho phép Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) đưa ra tuyên bố, chính phủ nước này có thể sẽ cung cấp thêm nguồn tiền mới và bổ nhiệm nhân sự mới. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng và người phát ngôn của HHS lưu ý cơ quan này đang "tiếp tục tìm hiểu các lựa chọn", POLITICO báo cáo.

Một cuộc họp báo về bệnh đậu mùa khỉ sẽ được tổ chức bởi Thư ký HHS Xavier Becerra vào sáng 28/7.

* Trong khi đó, tại Australia, Giám đốc Y tế Paul Kelly ngày 28/7 tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp quốc gia.

Tuyên bố của Giáo sư Kelly có nghĩa là việc ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tại Australia sẽ có sự phối hợp trên quy mô liên bang, cùng với chính quyền và giới chức y tế các bang, trong trường hợp dịch bùng phát ở địa phương.

Tuyên bố cũng có nghĩa là chính quyền liên bang sẽ có các chính sách y tế đồng bộ, các biện pháp can thiệp và thông điệp cộng đồng chung đối với căn bệnh này, đồng thời các nguồn lực quốc gia cũng sẽ được huy động để hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

062622-dau-mua.jpg
Ảnh minh họa

Giáo sư Kelly nhấn mạnh mọi công tác đối phó dịch bệnh đang được tiến hành để đảm bảo giới y tế trên toàn quốc có các phản ứng nhanh nhất đối với căn bệnh này. Trung tâm sự cố quốc gia của Australia cũng đã được kích hoạt, giúp phối hợp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ

Mặc dù khẳng định bệnh đầu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng Giáo sư Kelly cũng lưu ý bệnh này ít gây hại hơn so với bệnh COVID-19. Ông cho biết không có ca tử vong nào được báo cáo trong đợt bùng phát hiện tại, ngoài các quốc gia "điểm nóng" của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Cho đến nay Australia đã ghi nhận 44 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó hầu hết là người dân đi du lịch nước ngoài trở về.

* Còn tại Nhật Bản, ngày 28/7, cơ quan y tế nước này xác nhận ca thứ 2 mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này là một người đàn ông ở độ tuổi 30 sinh sống tại thủ đô Tokyo.

Giới chức thành phố Tokyo cho biết người đàn ông này đã từng ra nước ngoài và hiện đang nhập viện. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện ổn định.

Trước đó, ngày 25/7, Nhật Bản xác nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này, là một người đàn ông khoảng 30 tuổi ở Tokyo. Bệnh nhân trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 đã đi du lịch ở một nước châu Âu. Tại đây, người này có tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

image001-4124-1655260026.jpg
Cần cảnh giác bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em vì có thể để lại biến chứng nặng. Ảnh: Shutterstock

Hiện Chính phủ Nhật Bản đã ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh này và yêu cầu công dân nước này trên khắp thế giới thực hiện các biện pháp tăng cường phòng ngừa để phòng chống lây nhiễm, đồng thời khuyến cáo những công dân có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở bên ngoài Nhật Bản phải đặc biệt lưu tâm.

Nhật Bản cũng đã thành lập một lực lượng đặc biệt đối phó với sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ do Phó Chánh văn phòng Nội các phụ trách Quản lý Khủng hoảng Takashi Murata đứng đầu. Lực lượng này đã tổ chức cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 25/7 và đưa ra chiến lược phòng chống sự lây lan của căn bệnh này.

* Trong khi đó, mặc dù chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nào, nhưng Ethiopia đã chủ động tăng cường các biện pháp giám sát.

Tổng Giám đốc Viện y tế công cộng Ethiopia, Mesay Hailu cảnh báo khả năng cao dịch bệnh sẽ xảy ra tại nước này và cho biết Ethiopia sẽ tăng cường kiểm tra, sàng lọc du khách đến sân bay Quốc tế Addis Ababa Bole và người tị nạn vào nước này tại 20 cửa khẩu biên giới.

Ông cũng cho biết khoảng 50 phòng thí nghiệm đã được thành lập trên khắp đất nước để phát hiện virus gây bệnh, đồng thời thừa nhận tình trạng thiếu bộ xét nghiệm do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

* Tại Canada, ngày 27/7, Tiến sĩ Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng của Canada (PHAC) cho biết, cho đến nay, bệnh đậu mùa khỉ hầu như chỉ "khoanh vùng" ở nam giới - 99% số người mắc bệnh ở nước này là nam giới và trên 36 tuổi. Hầu hết các trường hợp được báo cáo mắc bệnh ở Canada là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

PHAC đã khuyến nghị những người đồng tính nam và song tính thực hành tình dục an toàn và hạn chế số lượng bạn tình, trong bối cảnh dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh.

Tiến sĩ Theresa Tam cho rằng đợt dịch mà Canada đang trải qua có thể được ngăn chặn bằng cách áp dụng các chiến lược nhắm vào đúng đối tượng mục tiêu - có thể bao gồm một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tập trung vào nam giới đồng tính và song tính, thông qua các tổ chức cộng đồng, cơ sở giáo dục và các ứng dụng hẹn hò như Grindr.

Canada hiện ghi nhận 745 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Quebec và Ontario. Trong khi đó, hơn 16.000 ca bệnh đã được báo cáo trên toàn thế giới. Tiến sĩ Tam cho rằng con số này thấp hơn so với thực tế. Theo PHAC, số ca bệnh trên toàn cầu đã tăng 48% so với tuần trước và căn bệnh này hiện đã lan tới 75 quốc gia.

Các quan chức PHAC cho biết 70.000 liều vaccine Imvamune đã được chuyển đến các tỉnh và khoảng 27.000 liều đã được tiêm. Tiến sĩ Tam khẳng định hiện tại Canada đã có đủ nguồn cung cấp vaccine này.

Imvamune là vaccine của hãng Bavarian Nordic (Đan Mạch). Bộ Y tế Canada lần đầu tiên phê duyệt vaccine này vào năm 2013 để chủng ngừa bệnh đậu mùa. 7 năm sau, Bộ Y tế Canada đã mở rộng phê duyệt vaccine này để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Tiến sĩ Tam đã kêu gọi các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nam giới quan hệ tình dục đồng giới, đi tiêm phòng để hạn chế sự lây lan.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 27/7 cho biết, hiện có hơn 18.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 78 quốc gia, trong đó hơn 70% đến từ khu vực châu Âu và 25% từ châu Mỹ.

Ở châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, bệnh chủ yếu lây lan sang người từ động vật hoang dã bị nhiễm bệnh như động vật gặm nhấm, với các ổ dịch thường không vượt qua biên giới của "Lục địa Đen". Trong khi đó, tại châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác, bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng ở những người không có mối liên hệ với động vật hoang dã và không đi du lịch đến châu Phi gần đây.

Nhật Minh