Triển khai Thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ dưới 18 tuổi

Tòa án - Ngày đăng : 16:05, 28/07/2022

Sáng 28/7, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Thông tư liên tịch số 01/2022 về công tác phối hợp trong điều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, TANDTC, Bộ LĐ-TB&XH cùng các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ.

img_9834.jpg

Báo cáo tình hình và kết quả quá trình xây dựng thông tư, ông Phùng Đức Khiêm, Phó Vụ trưởng Vụ II, VKSNDTC cho biết: Trong những năm gần đây, tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội. Hậu quả của loại tội phạm gây ra đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với thế hệ tương lai của đất nước, đã xâm hại nghiêm trọng đến tâm lý, làm cho trẻ bị xâm hại phải chịu tổn thương thể xác kéo dài thậm chí có trường hợp bị các bệnh xã hội lây lan qua đường tình dục; bị gia đình kỳ thị dẫn đến mất lòng tin trở thành tội phạm.

Để thực tốt công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14, trong đó, có nội dung giao VKSNDTC chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Quá trình xây dựng Thông tư liên tịch, Tổ soạn thảo đã thực hiện các bước hoàn thành đề cương Thông tư liên tịch, lấy ý kiến góp ý của các ngành có liên quan, thuê đặt các chuyên gia viết chuyên đề về nội dung liên quan đến Thông tư; tổ chức nhiều cuộc họp cấp chuyên viên liên ngành có liên quan tham gia đóng góp.

Nội dung Thông tư liên tịch tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên thực tiễn về trình tự, thủ tục, cách thức phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Theo đó, Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTB&XH có 06 chương, 26 điều quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18.

Trong đó quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, TANDTC, Bộ LĐ-TB&XH trong xử lý các vụ việc liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ dưới 18 tuổi.

img_9700.jpg
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trung tâm VKSNDTC.

Tại hội nghị, đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an quán triệt nội dung về trách nhiệm của CQĐT và những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện thông tư.

Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.

Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này.

Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ Đội An ninh ở Công an cấp huyện) sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó…

Đại diện TANDTC quán triệt nội dung về trách nhiệm của cơ quan Tòa án và những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện, theo đó có 6 nội dung cần quán triệt thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, đề nghị các Tòa án, Thẩm phán nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung đã được hướng dẫn của Thông tư liên tịch, đặc biệt Chương IV (các điều 21, 22 và 23) liên quan trực tiếp đến trách nhiệm phối hợp của các Tòa án;

Thứ hai, để công tác phối hợp giữa các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giải quyết các loại vụ án này chuyên nghiệp, có hệ thống đối với các Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên, nên thiết lập cơ chế “bộ phận chuyên trách” làm đầu mối thông tin, tiếp nhận và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi;

Thứ ba, khi được Viện Kiểm sát thông tin phối hợp chuyển, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng, các Tòa án cần bố trí, sắp xếp thời gian tiếp nhận hợp lý, linh hoạt. Trường hợp khi bàn giao hồ sơ vụ án chưa đầy đủ (như chưa giao được cáo trạng cho bị can, chưa có bản thống kê vật chứng, thiếu danh sách những người cần triệu tập đến phiên tòa) hoặc sắp xếp tài liệu không đúng trình tự so với bảng kê tài liệu, vật chứng; đánh số bút lục nhầm lẫn, thì Tòa án yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung, khắc phục ngay.

Thứ tư, phối hợp trong việc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Ngoài các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cần nghiên cứu, nắm kỹ các nội dung của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 để bảo đảm việc trả hồ sơ bổ sung là có căn cứ, cơ sở.

Đối với các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, do đặc thù nhạy cảm giới hoặc có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung càng phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể trao đổi trước với Viện kiểm sát về các tài liệu, chứng cứ, vật chứng kèm theo (nếu có) trước khi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đồng thời, hạn chế tối đa việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đến phiên tòa mới trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Thứ năm, phối hợp trước khi mở phiên tòa.

Trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tổ chức phiên tòa tại phòng xử án hình sự thông thường hay phòng xử án giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên (thân thiện) để Kiểm sát viên cân nhắn chuẩn bị trang phục phù hợp khi tham gia phiên tòa. (Vì hiện nay, biểu mẫu tố tụng chưa có nội dung này, nên các Tòa án cần chú ý, chủ động bổ sung).

Thứ sáu, phối hợp tại phiên tòa.

Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khi tham gia phiên tòa phải thực hiện theo quy định của Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên và Thông tư số Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 quy định về phòng xử án.

Trường hợp thấy cần thiết phải công bố công khai tại phiên tòa các chứng cứ, tài liệu là dữ liệu điện tử, công bố lời khai đã được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện việc công bố. Việc công bố tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa được thực hiện khách quan, đúng pháp luật.

img_9870.jpg
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSNDTC phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH cũng quán triệt những nội dung phối hợp thuộc trách nhiệm của cơ quan này với cơ quan tố tụng trong quá trình thực hiện thông tư này.

Hội nghị cũng đã thảo luận, giải đáp các thắc mắc liên quan đến nội dung phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến công tác phối hợp giữa các cơ quan quy định trong Thông tư.

Kết luận hội nghị, Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSNDTC quán triệt một số nội dung phối hợp quy định trong thông tư.

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi nhấn mạnh, các cơ quan liên quan căn cứ vào các nội dung quy định trong Thông tư  để giải quyết các vụ việc có liên quan, đồng thời căn cứ vào các Công ước, Hiệp định quốc tế song phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Bên cạnh đó. căn cứ vào Bộ luật TTHS 2015, một số Thông tư liên tịch đã ban hành trước đó để giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.

Mai Thoa