EU gia hạn các lệnh trừng phạt Nga đến cuối tháng 1/2023

Chuyển động - Ngày đăng : 22:44, 26/07/2022

Liên minh châu Âu (EU) ngày 26/7 đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến cuối tháng 1/2023.

Quyết định này đề cập đến các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2014 và được mở rộng đáng kể sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine hồi tháng 2 năm nay.

3005-eu.jpg
Cờ EU treo bên ngoài trụ sở Ủy ban EU tại Brussels.

Trước đó cùng ngày, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người đứng đầu một loạt khu vực của Nga, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Nga Konstantin Chuichenko, 2 lãnh đạo tại vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Tổng cộng, có thêm 42 cá nhân được bổ sung vào danh sách trừng phạt của Chính phủ Anh.

Trong số các cá nhân Nga nằm trong danh sách trừng phạt bổ sung lần này có Thống đốc vùng Bryansk Alexander Bogomaz, Thống đốc vùng Kursk Roman Starovoit, Thống đốc vùng Samara Dmitry Azarov, Thống đốc vùng Leningrad Alexander Drozdenko, Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhaev, Thống đốc khu vực Moskva Andrey Vorobyov, 2 cháu trai của doanh nhân Alisher Usmanov là Sarvar Ismailov và Sanzhar Ismailov, nhà báo kiêm blogger người Anh Graham Phillips - người đã bị tịch thu tài sản tại quê nhà.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Hiện Anh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các tỷ phú và chính trị gia nổi tiếng của Nga, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin. Chính phủ Anh nêu rõ cho đến nay nước này đã trừng phạt trên 1.100 cá nhân và hơn 100 thực thể tại Nga.

Trước đó, hôm 20/7, các nước thành viên EU đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga. Ở gói trừng phạt mới nhất này của EU đối với Nga, EU đã quyết định cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu, cũng như đóng băng tài sản của Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga. Ngoài ra, EU cũng đưa thêm 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Lệnh trừng phạt này có hiệu lực từ ngày 21/7.

Trong một diễn biến khác, Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) cho biết đã ra quyết định phạt hãng công nghệ Google (Mỹ) 2 tỷ ruble, tương đương hơn 33 triệu USD vì lạm dụng chức năng khóa tài khoản người dùng của YouTube.

Án phạt trên là động thái mới nhất của Nga trong khuôn khổ chiến dịch ngày càng quyết đoán của Moscow nhằm vào các công ty công nghệ nước ngoài.

Án phạt trên là động thái mới nhất của Nga trong khuôn khổ chiến dịch ngày càng quyết đoán của Moscow nhằm vào các công ty công nghệ nước ngoài.

Thông báo của FAS nêu rõ cơ quan này nhận thấy rằng các quy tắc liên quan đến việc thiết lập, tạm ngừng, khóa tài khoản và sử dụng nội dung của người dùng trên YouTube là không rõ ràng, thành kiến và khó lường.

FAS cho rằng chính sách của Google đã dẫn đến việc khóa và xóa tài khoản người dùng đột ngột mà không có cảnh báo và giải thích cho hành động này. Theo FAS, chính sách của Google đã xâm phạm lợi ích của người dùng và hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường liên quan. Google sẽ phải đóng khoản tiền phạt nêu trên trong vòng 2 tháng sau khi thông cáo báo chí này được phát đi.

Trước đó, chính quyền Nga cũng đã phạt Google 21,1 tỷ ruble (373 triệu USD) vì không hạn chế quyền truy cập vào tài liệu "bị cấm" liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine và các nội dung khác.

Bạch Dương