Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7: Lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Đời sống - Ngày đăng : 21:01, 26/07/2022

Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm về những Anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, những người đã anh dũng chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Đây là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”quý báu ngàn đời của người dân Việt Nam.

Lịch sử và ý nghĩa của ngày Thương binh liệt sĩ (27/7)

Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) là ngày lễ được tổ chức hàng năm nhằm tri ân công lao của những người thương binh, liệt sĩ trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Là biểu hiện của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người đã có công với cách mạng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi là vô cùng to lớn. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “ Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Cũng tại Nhà hát này, chiều ngày 11/7/1946 đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh, liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

3.jpg

Tri ân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam và một số địa phương đã họp tại Đại Từ-Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày Kỷ niệm Thương binh, Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh, liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.

4.jpg

Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh, liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành "Ngày thương binh, liệt sĩ" của cả nước.

Đẩy mạnh hoạt động tri ân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng

Chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đây là một vấn đề chính trị-xã hội của quốc gia, dân tộc. 75 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng và điều kiện kinh tế của đất nước.

1(2).jpg

75 năm đã trôi qua kể từ ngày 27/7/1947 trở thành ngày truyền thống tốt đẹp, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng của cả dân tộc Việt Nam. Các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ngày càng đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm được nhiều việc tốt để tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước.

2(1).jpg

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thế Tâm cùng đoàn công tác Báo Công lý đến thăm và tặng quà gia đình thương binh – liệt sỹ

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai và huy động nhiều lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trên cơ sở các quy định về pháp lý, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hoạt động với tôn chỉ mục tiêu: Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Chính phủ; giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt người thân còn thất lạc hoặc chưa có danh tính; tham gia khảo sát, nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ về các giải pháp thực hiện chế độ, chính sách nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

Sau nhiều năm hoạt động, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ còn khó khăn trong cuộc sống. Đây chính là việc tri ân các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ một cách thiết thực.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đồng hành với các tổ chức, các đơn vị thành viên tiến hành công tác tìm kiếm, cất bốc và di chuyển hàng trăm hài cốt liệt sĩ về quê; hỗ trợ một phần chi phí cho các gia đình liệt sĩ về việc này; tặng hàng trăm nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 5-10 triệu đồng); trao hàng chục suất học bổng tặng con, cháu liệt sĩ nghèo vượt khó học giỏi; thăm, tặng hàng trăm suất quà tới Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn... với tổng kinh phí hỗ trợ, tri ân liệt sĩ đạt hàng chục tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tri ân liệt sĩ và người có công với cách mạng; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực; tăng cường vận động để mọi tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp tục coi trọng tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động của hội, phong trào thi đua, xây dựng điển hình, mô hình tiêu biểu trong phong trào tri ân gia đình liệt sĩ và nười có công với nước. Tổng kết và rút ra những kinh nghiệm quý từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; khuyến kích, động viên thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng phấn đấu vươn lên thành nhân tố điển hình, tiên tiến mới.

Tri ân gia đình liệt sĩ và nười có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ và người có công với Tổ quốc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách... Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh – liệt sỹ, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Đó là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc và nguyện vọng của toàn thể nhân dân trong tình hình hiện nay./.

Lập Nguyễn