Bệnh đậu mùa khỉ lan rộng trên thế giới, Việt Nam ứng phó như thế nào?

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:50, 24/07/2022

Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ, các chuyên gia y tế khẩn họp bàn tìm hướng sớm phát hiện, ứng phó với dịch bệnh này.

Ngày 23/7, WHO đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Chiều 24/7, Bộ Y tế đã họp khẩn cùng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về ứng phó đậu mùa khỉ.

daumua.jpeg
Việt Nam họp khẩn cấp bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ.

TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ song có nguy cơ cao bệnh xâm nhập. Lý do là các quốc gia lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Campuchia... đã ghi nhận các ca đậu mùa khỉ. Trong khi đó, nước ta đã bỏ tờ khai y tế dành cho người nhập cảnh từ tháng 4; hành khách từ những nước này vào Việt Nam thuận lợi hơn trước.

Trước nguy cơ đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và lây lan, Cục Y tế Dự phòng cho rằng hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là giám sát người đến từ các nước có dịch, đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn virus bùng phát.

Về xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khi của Việt Nam, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo WHO, bộ kit hoàn chỉnh hiện nay rất ít. Giả sử nếu có cung cấp tại Việt Nam, chúng ta phải có cấp phép Bộ Y tế mới sử dụng. Về năng lực xét nghiệm chúng ta phải đợi nhận bộ mồi của WHO cung cấp.

Các chuyên gia thông tin, Việt Nam chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. GS Đức Anh nói thêm, theo CDC Mỹ, có 2 loại vaccine được Mỹ cấp phép sử dụng và các vaccine này đều là vaccine virus sống. Sẽ tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo, không tiêm vaccine này đại trà, chỉ tiêm cho người nguy cơ cao do số lượng vaccine rất ít.

Về công tác điều trị, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, ngay sau khi nhận thông tin bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẩn trương soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. 

"Tuần tới, Bộ sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng", TS Khoa thông tin.

Đường lây chính của bệnh đậu mùa khỉ là do tiếp xúc trực tiếp và giọt bắn, nguy cơ lây ở cơ sở y tế khá cao, phải có phương án phòng hộ cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có bộ kit xét nghiệm đậu mùa khỉ, trước mắt chúng ta dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng.

Về phương thức lây truyền căn bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định đậu mùa khỉ khó lây, chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp, giọt bắn lớn; không lây qua không khí như SARS-CoV-2.

Để chủ động ứng phó dịch bệnh, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu. Thứ trưởng đồng ý sử dụng sinh phẩm trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán bệnh trong trường hợp khẩn, giao Cục Y tế dự phòng làm đầu mối nghiên cứu.

Bà cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng họp với các đơn vị đề xuất sớm. Tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Đồng thời đề xuất WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một lượng vaccine nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ.

Thảo Nguyên