Số phận cầu Long Biên…
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 12:03, 20/07/2022
Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên gia về văn hóa và các kiến trúc sư, để có những động thái tích cực trong việc bảo vệ cây cầu trước sự xuống cấp thì cần phải nhanh chóng công nhận là di sản. Bởi chỉ khi được công nhận chính danh là di sản khi đó cầu Long Biên mới được luật Di sản bảo vệ và không ai xâm hại hay phá bỏ. Việc công nhận cây cầu Long Biên là di sản cũng sẽ góp phần phát huy những giá trị vốn có của nó trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Biểu tượng của thủ đô
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, cầu Long Biên có giải pháp kết cấu, vật liệu hiện đại thời bấy giờ. Theo đánh giá của một số chuyên gia văn hóa, kiến trúc của cầu Long Biên mang bản sắc dân tộc. Bởi biểu tượng cây cầu có hình dáng giống con rồng bay qua sông Hồng, hình ảnh ấy gắn liền với biểu tượng văn hóa Hà Nội.
Cầu Long Biên còn là chứng nhân lịch sử khi chứng kiến nhiều sự kiện về lịch sử phát triển Hà Nội: Năm 1947, Trung đoàn Thủ đô đi qua cầu Long Biên rút ra khỏi nội đô an toàn để bảo vệ Hà Nội. Đến năm 1954, người dân Hà Nội không thể quên hình ảnh đoàn quân viễn chinh Pháp rút khỏi cầu Long Biên…
Khi Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại, đánh phá vào Hà Nội, cầu Long Biên là nơi chứng kiến trận địa pháo đánh B52. Long Biên dưới bom đạn không chỉ là cây cầu huyết mạch của Hà Nội bắc qua sông Hồng, mà còn là biểu tượng của niềm tin vào sự sinh tồn mãnh liệt và chiến thắng.
Cây cầu cũng là điểm nhấn kiến trúc quan trọng trên sông Hồng, nối hai trung tâm, là di sản văn hóa của Thủ đô. Và cho dù chưa được công nhận, nhưng cầu Long Biên đã được coi là bảo tàng sống, là ký ức của người dân Thủ đô, cần phải được gìn giữ gìn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trước hết phải xem cầu Long Biên là một di sản kiến trúc và văn hóa hiếm có còn lại trên thế giới.
“Cầu Long Biên là một minh chứng lịch sử của những giai đoạn có những sự kiện lịch sử. Nhìn từ góc độ giao thông thì cây cầu là sự đột phá trong kết nối giữa thủ đô với các tỉnh phía bắc và đông bắc. Cộng với việc Hà Nội sẽ mở rộng sang cả hai phía sông Hồng. Đặc biệt sau khi hòa bình lặp lại, minh chứng sự anh hùng. Điều nổi bật nữa là cây cầu đã thể hiện ý chí độc lập tự cường của dân tộc ta. Bởi sau khi bị bom B52 đánh phá, một số trụ cầu đã bị hư hỏng, bằng nội lực của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã phục dựng lại câu cầy để giao thông bình thường. Bên cạnh những dấu ấn của kiến trúc Pháp để lại, còn có dấu ấn thể hiện khoa học kỹ thuật của người Việt Nam”, ông Nghiêm chia sẻ.
Cần được ứng xử đúng mực
Tình trạng xuống cấp của cầu Long Biên không chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà nó đã diễn ra trước đó nhiều năm. Có thời điểm người ta đã tính đến những phương án cho cây cầu nhưng rồi lại chìm vào quên lãng. Cầu thì vẫn cứ xuống cấp sau những lần sửa.
Thời gian gần đây, việc xuất hiện những lỗ hổng trên mặt cầu đã lại dấy lên những lo ngại về sự an toàn. Để ngăn chặn, đơn vị quản lý cầu đã cho vá sửa và còn lắp thêm biển cấm người đi bộ lên cầu.
Nhìn nhận về những mối nguy hiểm mà cầu Long Biên đang phải đối mặt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị: Trước hết phải nhận diện giá trị của cây cầu là một di sản và sớm được công nhận. Cùng với đó phải quyết tâm có giải pháp để duy tu bảo dưỡng bởi không thể để lâu hơn được nữa mà phải làm sớm nếu không chúng ta sẽ mất đi một di sản, niềm tự hào của thế hệ trước.
Đồng quan điểm với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng để bảo vệ cầu Long Biên, bảo vệ biểu tượng của thủ đô thì điều đầu tiên cần phải sớm công nhận cây cầu là di sản.
“Cầu Long Biên rất có ý nghĩa về văn hóa cũng như kiến trúc. Giá trị sử dụng cho giao thông là điều đương nhiên. Có vướng mắc cho đến ngày hôm nay là cây cầu chưa được công nhận là di sản, khi chưa được công nhận là di sản thì số phận của cây cầu vẫn mãi lơ lửng và có thể bị phá hủy bất cứ khi nào. Do vậy dù muốn sửa chữa hay làm gì thì đầu tiên phải công nhận là di sản đô thị. Khi đã là di sản thì sẽ được luật di sản bảo vệ”, nhà văn Ngọc Tiến chia sẻ.
Có thể nói, cầu Long Biên là sự kiện đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà văn hóa, kiến trúc. Đã có nhiều hội thảo trao đổi và đề xuất để đưa cầu Long Biên trở thành di sản quốc gia nhưng chưa thành hiện thực. Tuy nhiên với cây cầu 120 năm tuổi như này chúng ta phải có một ứng xử đúng mực.
Trước việc ngăn cấm người đi bộ di chuyển trên cầu, nhà sử học Dương Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh: “Đã là cầu thì phải có hoạt động, đi lại. Không đi lại thì cầu chỉ là cái xác công trình, là phế tích. Nhưng đi lại thế nào phải tính toán, phải phù hợp với thực trạng, tải trọng cầu và cả nhu cầu của người dân”.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, để giảm áp lực cho cầu, có thể phân giờ khung giờ, giờ nào cho xe máy qua, giờ nào cho khách du lịch lên cầu, chụp ảnh... Không chỉ Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng phải vào cuộc, có tiếng nói.
Sự xuống cấp của cây cầu Long Biên những ngày qua là một sự kiện cần hết sức quan tâm vì đã đến thời điểm chúng ta phải có quyết định chứ không thể cứ xem xét rồi nghiên cứu mãi.