Nhà trường, học sinh tìm cách thích ứng khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc cấp THPT

Giáo dục - Ngày đăng : 10:44, 14/07/2022

Lịch sử cấp THPT sẽ là môn học bắt buộc chứ không còn là môn học tự chọn hoàn toàn theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018. Điều này đã khiến nhà trường và các em học sinh phải khẩn trương tìm cách thích ứng khi chương trình của môn học này bị thay đổi.

Lịch sử cấp THPT sẽ là môn học bắt buộc từ năm học 2022- 2023 chứ không còn là môn học tự chọn hoàn toàn theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018.

Vấn đề đang thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội và cũng là một thách thức không nhỏ với ngành giáo dục bởi lộ trình thực hiện đang rất gấp để kịp triển khai ngay trong năm học này ở lớp 10.

Ghi nhận tại nhiều trường học tại Hà Nội, trong 2 ngày vừa qua, một số học sinh cũng đã chủ động lựa chọn môn Lịch sử để tránh phải thay đổi khi nhà trường điều chỉnh các tổ hợp theo quy định mới.

lich-su.jpg
Nhà trường, học sinh tìm cách thích ứng khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc cấp THPT. (ảnh minh họa)

Tuy nhiên số lượng học sinh lựa chọn dựa trên sự thay đổi này không nhiều bởi đa phần các em đã hoàn thành việc đăng ký môn học.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc triển khai dạy học lớp 10 theo chương trình mới, các trường đã xây dựng nhiều tổ hợp để học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Vì thế hiện nhiều trường đang rơi vào tình huống bị xáo trộn.

Ngoài 52 tiết bắt buộc, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn dành cho học sinh nào có mong muốn học thêm ở cụm môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Sự thay đổi và thời gian triển khai thực hiện gấp gáp như vậy cũng đòi hỏi các trường THPT phải linh hoạt thích ứng, thay đổi chương trình dạy môn Sử.

Nhiều thầy cô giáo cho biết "Sự thay đổi đột ngột sẽ tác động đến các nhà trường, hiện các nhà trường lựa chọn tổ hợp cũng dựa trên nguồn nhân lực của nhà trường".

Đặc biệt sự thay đổi này sẽ dẫn đến việc bắt buộc phải thay đổi kết cấu, số tiết của bộ môn lịch sử trong quá trình giảng dạy trên trường.

Trong khi người đứng đầu các nhà trường buộc phải tính toán lại các tổ hợp thì giáo viên trực tiếp đứng lớp trong năm học tới lại có nhiều trăn trở khi giảng dạy chương trình cắt sửa từ 70 tiết thiết kế cho môn tự chọn thành 52 tiết môn bắt buộc.

"Rõ ràng ở đây là nó thay đổi kết cấu, với 52 tiết thì chúng tôi chia ra là 1,5 tiết/tuần. Nó làm thay đổi tất cả: sách giáo khoa, mục đích yêu cầu" - cô giáo Nguyễn Mai Linh, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết.

Nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử vì thế càng trở thành thách thức to lớn hơn với ngành giáo dục.

Không thể lùi tiến độ các phần việc của công tác tuyển sinh, hiện các trường đang chấp nhận vừa làm vừa sửa. Nhiều nhà trường sẵn sàng tổ chức lại buổi tư vấn chọn tổ hợp cho phụ huynh, học sinh.

Càng nỗ lực và chủ động bao nhiêu, các nhà trường càng hy vọng Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể để các trường lên kế hoạch triển khai, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Minh Anh