Tin vắn thế giới ngày 13/7: Nga chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa ‘mạnh nhất thế giới’ Sarmat

Chuyển động - Ngày đăng : 07:54, 13/07/2022

Tổng thống Sri Lanka và vợ chạy khỏi đất nước giữa khủng hoảng; EU 'đóng băng' khối tài sản trị giá 13,8 tỷ USD của Nga; Nga chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa ‘mạnh nhất thế giới’ Sarmat; Thái Lan sắp áp dụng hình phạt thiến hoá học đối với tội phạm tình dục… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Sri Lanka và vợ chạy khỏi đất nước giữa khủng hoảng

Tổng thống Sri Lanka đã bỏ trốn khỏi đất nước vào sáng sớm ngày 13/7, vài ngày sau khi những người biểu tình xông vào nhà riêng, dinh tổng thống và văn phòng thủ tướng trong cơn giận dữ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 3 tháng gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng.

AP dẫn nguồn tin từ một quan chức phụ trách nhập cư giấu tên cho hay, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, phu nhân và hai vệ sĩ đã lên máy bay của Không quân Sri Lanka để đến thành phố Male, thủ đô Maldives.

dinh-tong-thong-srilanka.jpeg
Người dân lũ lượt tới Văn phòng của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ba ngày sau khi nơi này bị người biểu tình tấn công, ngày 12/7/2022. Ảnh: AP

Anh: Công bố danh sách ứng cử viên thay thế Thủ tướng Boris Johnson

Tối 12/7 theo giờ địa phương Nghị sĩ Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, đã công bố danh sách 8 ứng cử viên đủ điều kiện tham gia tranh cử cho vị trí thủ lĩnh đảng cầm quyền thay thế Thủ tướng Boris Johnson, người đã tuyên bố từ chức vào ngày 7/7.

Danh sách theo thứ tự chữ cái gồm cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch; Tổng chưởng lý Suella Braverman; Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc Y tế và Xã hội của Quốc hội Jeremy Hunt; Quốc vụ khanh Chính sách thương mại Bộ thương mại Penny Mordaunt; cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak; Ngoại trưởng Liz Truss; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tom Tugendhat; và Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi.

EU 'đóng băng' khối tài sản trị giá 13,8 tỷ USD của Nga

Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu (EU) Didier Reynders ngày 12/7 cho biết EU đã "đóng băng" khối tài sản của Nga trị giá 13,8 tỷ USD kể từ khi "xứ bạch dương" tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.

EU hỗ trợ thêm 1 tỷ euro cho Ukraine

Theo thông báo của Hội đồng châu Âu, EU ngày 12/7 đã quyết định cung cấp thêm 1 tỷ euro hỗ trợ tài chính vĩ mô (MFA) cho Ukraine, coi đây là một vấn đề cấp bách.

Cùng với MFA khẩn cấp trị giá 1,2 tỷ euro được giải ngân vào đầu năm nay, tổng hỗ trợ tài chính vĩ mô từ EU cho Ukraine kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột với Nga hiện đạt 2,2 tỷ euro và dự kiến ​​sẽ còn tăng thêm trong những tháng tới. Hỗ trợ tài chính này bổ sung cho các hỗ trợ khác của EU dành cho Ukraine trong các lĩnh vực nhân đạo, phát triển, hải quan và quốc phòng.

Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Putin tới Tehran dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ

Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Putin sẽ lên đường đến thủ đô Tehran vào ngày 19/7 để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên, hay còn gọi là nhóm "Bộ ba" Astana về giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria.

Theo ông Peskov, trong chuyến công du trên, Tổng thống Putin sẽ tổ chức họp riêng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Croatia chính thức trở thành thành viên thứ 20 của Eurozone

Ngày 12/7, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua quyết định Croatia trở thành thành viên thứ 20 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo trang tin euronews.com, quyết định chính thức ủng hộ Croatia gia nhập Eurozone đã được thông qua ngày 12/7 và quyết định này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2023.

croatia-eurozone.jpeg
Bộ trưởng Tài chính Croatia Marko Primorac (trái) và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde chụp ảnh với một mẫu tiền xu Euro tại lễ ký Croatia tham gia Eurozone ngày 12/7 ở Brussels, Bỉ. Ảnh: CNBC

LHQ kêu gọi đối thoại nhằm đảm bảo chuyển giao quyền lực suôn sẻ ở Sri Lanka

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế và chính trị ở Sri Lanka, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên đối thoại “đảm bảo tiến trình chuyển giao chính quyền suôn sẻ và tìm ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng" ở nước này.

Gia hạn chương trình viện trợ xuyên biên giới cho Syria thêm 6 tháng

Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí gia hạn chương trình viện trợ xuyên biên giới cho Syria thêm 6 tháng.

Nga chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa ‘mạnh nhất thế giới’ Sarmat

Tập đoàn vũ trụ Roscosmo của Nga thông báo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Sarmat đang được chuẩn bị cho loạt thử nghiệm và sản xuất hàng loạt.

“Tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân mạnh nhất thế giới đang được chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm mới và sản xuất hàng loạt”, Chủ tịch Roscosmo Dmitry Rogozin viết trên ứng dụng Telegram.

sarmat-nga.jpg
Tên lửa Sarmat rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk. Ảnh: Sputnik

Nạn tấn công bằng kim tiêm lan rộng tại châu Âu

Những người tham gia Lễ hội San Fermin ở Pamplona, Tây Ban Nha, đã báo cáo về việc họ bị đâm kim tiêm vào người ở ngay giữa đám đông. Hầu như không ai biết về thứ chất bị tiêm vào người các nạn nhân, song sự việc này có thể liên quan với loạt vụ tấn công tương tự ở Pháp.

Hai tuần trước đó, nhà chức trách Pháp đã bắt giữ và buộc tội nhiều nghi phạm về hành vi đâm kim tiêm vào người khác tại hộp đêm và sự kiện hòa nhạc. Các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trẻ và 1.004 người trong số họ đã nộp đơn khiếu nại kể từ tháng 1 đến nay.

Tổng thống Indonesia tiết lộ 'vũ khí' đảm bảo khả năng tự cung tự cấp gạo

Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi), nước này đang chuẩn bị những giống lúa ưu việt, năng suất cao và chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất lúa gạo trên cả nước.

Ngày 12/7, phát biểu trong chuyến thăm Trung tâm Nghiên cứu Lúa gạo Subang, tỉnh Tây Java, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã bày tỏ lạc quan về việc Indonesia sẽ sớm đủ khả năng tự cung tự cấp gạo sau khi ngừng nhập khẩu mặt hàng này trong 3 năm qua.

Người đứng đầu chính quyền Indonesia cũng nhắc nhở người dân nước này nâng cao cảnh giác, trong đó có việc đảm bảo đủ lương thực trong bối cảnh một số quốc gia đang lâm vào tình trạng khan hiếm lương thực.

Dự báo dân số thủ đô mới của Indonesia

Người đứng đầu Chính quyền thành phố thủ đô mới (IKN) Nusantara của Indonesia Bambang Susantono cho biết khu vực này sẽ là nơi sinh sống của khoảng 1,7 - 1,9 triệu người vào năm 2045.

Thái Lan sắp áp dụng hình phạt thiến hoá học đối với tội phạm tình dục

Các nhà lập pháp Thái Lan đã thông qua một dự luật cho phép các tội phạm tình dục quyền lựa chọn chịu hình phạt thiến hóa học để rút ngắn thời gian thụ án trong tù

Theo hãng tin Reuters, dự luật - được Hạ viện Thái Lan thông qua hồi tháng 3 – đã vượt qua ải Thượng viện với 145 phiếu ủng hộ. Dự luật vẫn cần trải qua một cuộc bỏ phiếu nữa và cuối cùng là được Hoàng gia Thái Lan thông qua để chính thức có hiệu lực.

Italy cảnh báo TikTok về các quy tắc quyền riêng tư

Ngày 11/7, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu (DPA) của Italy đã chính thức cảnh báo ứng dụng chia sẻ video TikTok về hành vi bị cáo buộc là vi phạm các quy tắc hiện hành của Liên minh châu Âu (EU) về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra "cảnh báo chính thức" của mình với TikTok, DPA đã kết luận rằng việc chuyển đổi cơ sở pháp lý đã được lên kế hoạch của TikTok là không phù hợp với quy định của EU và với luật bảo vệ dữ liệu của Italy.

Twitter khẳng định thỏa thuận mua bán với tỷ phú Elon Musk vẫn có hiệu lực

Ngày 11/7, mạng xã hội Twitter khẳng định không vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào nêu trong thỏa thuận với tỷ phú công nghệ Elon Musk về mua công ty, đồng thời yêu cầu giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla hoàn tất thỏa thuận.

IEA đề xuất áp mức giá trần với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga

Với mục đích ngăn chặn Nga hưởng lợi từ giá dầu hiện ở mức cao, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang cân nhắc đưa ra mức giá trần đối với giá dầu của nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới này. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức giá trần này cần áp dụng cả với dầu thô và các sản phẩm tinh chế.

Nga phạt Apple vi phạm luật lưu trữ dữ liệu

Ngày 12/7, một tòa án Moskva đã phạt tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ 2 triệu ruble (33.900 USD) với cáo buộc từ chối lưu trữ dữ liệu người dùng Nga trên lãnh thổ nước này. Đây là lần đầu Apple bị phạt với vi phạm này.

Lego dừng hoạt động tại Nga

Ngày 12/7, hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới Lego thông báo sẽ dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Nga, chấm dứt tuyển dụng lao động tại đây cũng như quan hệ đối tác với một công ty vốn vận hành hơn 80 cửa hàng ở quốc gia này.

Người phát ngôn của Lego cho biết việc dừng hoạt động thương mại "vô thời hạn" tại Nga xuất phát từ sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận hành tại nước này. Động thái này đồng nghĩa với việc hãng sản xuất đồ chơi của Đan Mạch sẽ dừng sử dụng hầu hết lao động tại Nga cũng như quan hệ đối tác với Tập đoàn bán lẻ sáng tạo (Inventive Retail Group) của Nga.

Tờ Evening Standard báo lỗ gần 70 triệu bảng trong 5 năm

Tờ Evening Standard của Anh mới đây đã thông báo khoản lỗ 14 triệu bảng Anh trong năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục làm giảm nguồn thu nhập từ quảng cáo và doanh số bán báo lẻ, đưa tổng mức lỗ của tờ báo này trong 5 năm qua lên tới gần 70 triệu bảng Anh.

Trong bối cảnh đó, tờ báo này đã phải thực hiện cắt giảm chi phí lớn trong thời gian dịch bệnh, theo đó lực lượng lao động của Evening Standard đã giảm hơn 25% từ 320 người xuống 236 người tính đến ngày 3/10/2021.

evening-standard-120722.jpg
Tờ Evening Standard của Anh báo lỗ gần 70 triệu bảng trong 5 năm. Ảnh: The Guardian

WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 'chưa có dấu hiệu chấm dứt'

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/7 cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 "chưa có dấu hiệu chấm dứt", đồng thời bày tỏ lo ngại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang "tự do lưu hành" trên thế giới.

Biến thể phụ BA.5 chiếm đa số ca mắc mới, Mỹ ưu tiên tiêm mũi tăng cường

Theo giới chức y tế Mỹ, biến thể phụ Omicron BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch tốt hơn, đã chiếm khoảng 65% số ca mắc mới tại nước này trong tuần qua.

Chính quyền Mỹ ngày 12/7 khẳng định người dân nước này sẽ được đảm bảo tiếp tục tiếp cận dễ dàng với vaccine ngừa COVID-19 cũng như các liệu pháp điều trị và xét nghiệm để kiểm soát đợt bùng phát do biến thể phụ Omicron BA.5 gây ra.

Ấn Độ lo ngại dòng phụ BA.2.75 của biến thể Omicron

BA.2.75 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và các nhà nghiên cứu gọi đây là một biến thể “thế hệ thứ hai”, do có nguồn gốc phát triển từ dòng phụ BA.2 thuộc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Biến thể phụ này đã lây lan tại ít nhất 3 khu vực khác nhau của Ấn Độ - quốc gia đã trải qua làn sóng dịch COVID-19 do BA.2 gây ra.

WHO kêu gọi đẩy mạnh phát triển công nghệ gene

Ngày 12/7, Hội đồng Khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc các nước đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ di truyền để chống lại bệnh tật và nhanh chóng chia sẻ công nghệ này với các nước đang phát triển.

Nghiên cứu toàn hệ gene (Genomics) bao gồm nghiên cứu tất cả hoặc một phần thông tin trình tự di truyền của các sinh vật sống và tìm hiểu cấu trúc cũng như chức năng của các trình tự đó. Các nhà khoa học cho rằng việc đẩy mạnh nghiên cứu hệ gene sẽ cung cấp các phương tiện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giúp ngăn chặn cũng như chẩn đoán, điều trị các bệnh.

Đeo khẩu trang có thể ngăn ngừa lây lan bệnh đậu mùa khỉ

Trong bối cảnh bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đầu mùa khỉ được phát hiện tại Nga, Cơ quan Giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng LB Nga (Rospotrebnadzor) khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang và rửa tay trong trường hợp tiếp xúc với những người trở về từ vùng có dịch bệnh.

Australia kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng dịch COVID-19

Giới chức y tế Australia đang kêu gọi người dân nước này tăng cường đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà và các cửa hàng, khu mua sắm, trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 ngày càng lan rộng và có khả năng đạt đỉnh trong vòng 4-6 tuần tới.

Bạch Dương