Thu hồi gấp 2 mẫu thuốc kháng sinh Cefuroxim 500mg bị làm giả

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 22:26, 11/07/2022

Cục Quản lý Dược vừa gửi thông báo gửi Sở Y tế các địa phương về mẫu mẫu thuốc Cefuroxim 500mg giả, đồng thời yêu cầu thu hồi ngay 2 lô thuốc này.

Căn cứ Văn thư số 1271/SYT-NVD ngày 15/6/2022 của Sở Y tế tỉnh Hà Giang kèm văn thư số 33/CV-TTKN ngày 14/6/2022 của Trung tâm kiểm nghiệm Hà Giang lấy mẫu thuốc Viên nén bao phim Cefuroxim 500mg, SĐK: VD-31978-19, lô SX: 3490621, NSX: 010621, HD: 010624; cơ sở sản xuất ghi trên nhãn: Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương. Mẫu thuốc được lấy tại một cửa hàng ở huyện Bắc Quang.

Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM cũng báo cáo về mẫu sản phẩm trên nhãn ghi như trên, chỉ khác lô sản xuất (5241121), ngày sản xuất (301121) và hạn dùng (301124).

Thu hồi gấp mẫu thuốc kháng sinh Cefuroxim 500mg  bị làm giả - Ảnh 1.

Công văn thu hồi mẫu thuốc Cefuroxim 500mg giả

Mẫu do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Tiền Giang lấy tại Quầy thuốc số 28 xã Tân Hương, Châu Thành. hai mẫu được lấy tại Bắc Quang (Hà Giang) và Châu Thành (Tiền Giang) đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng về các chỉ tiêu định tính, định lượng, cụ thể là không có hoạt chất.

Cục Quản lý Dược đã đối chiếu mẫu thuốc do Công ty Vidipha sản xuất với mẫu sản phẩm do Trung tâm kiểm nghiệm Hà Giang cung cấp có dấu hiệu khác nhau không rõ ràng, chỉ phân biệt được khi để cạnh nhau.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi toàn quốc 2 lô thuốc trên nhãn ghi: Viên nén bao phim Cefuroxim 500mg, SĐK: VD-31978-19, gồm 2 lô: SX 5241121, NSX: 301121, HD: 301124 và lô 3490621, NSX: 010621, HD: 010624; Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương.

Cefuroxim 500mg thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin, được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn như viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiêu hóa...

Cục Quản lý Dược yêu cầu Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương phải gửi thông báo tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc về việc thu hồi 2 lô thuốc trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc nêu trên, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày.

Sở Y tế các địa phương, Y tế các ngành cần thông báo cho các cơ sở kinh doanh, người sử dụng thuốc về việc thu hồi, không tiếp tục sử dụng, trả lại cho đơn vị cung cấp đối với 2 lô thuốc nêu trên.

Riêng Sở Y tế Bình Dương được yêu cầu kiểm tra và giám sát Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha Bình Dương thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Cục Quản lý Dược cũng quyết định thu hồi Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với thuốc Zinnat Suspension, Số GĐKLH: VN-20513-17.

Sản phẩm do Công ty GlaxoSmithKline Pte., Ltd ở Singapore đăng ký; Nhà sản xuất là Glaxo Operations UK Limited, địa chỉ ở Anh.

Theo Cục Quản lý Dược, lý do thu hồi Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với thuốc Zinnat Suspension là vì thuốc có 2 lô bị thu hồi do vi phạm chất lượng mức độ 2.

Minh Khang