Nghị quyết giám sát việc ban hành văn bản QPPL sẽ ban hành trong tháng 7/2022

Chính trị - Ngày đăng : 07:55, 12/07/2022

Tại phiên họp thứ 13 diễn ra chiều 11/7, 100% Ủy viên UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về mặt nguyên tắc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Đồng thời, UBTVQH giao UBPL và cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 7/2022.

nghi-quyet.jpg
UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết gồm 3 chương, 14 Điều quy định về phạm vi, nội dung, trình tự,… của hoạt động giám sát; Trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện giám sát gồm các quy định về theo dõi, tiếp cận và nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật; Xử lý việc chưa ban hành văn bản quy định chi tiết và văn bản quy phạm pháp luật có nội dung có dấu hiệu trái pháp luật; Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát gồm các quy định về cập nhật thông tin về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật;…

Tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất đánh giá giám sát là một hoạt động rất quan trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, giám sát văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong quá trình soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan chủ trì soạn thảo. Dự thảo đã được lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và tiếp thu, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần này. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc ban hành dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết.

Theo Chủ nhiệm UBPL, hàng năm có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng pháp luật, trong đó có cả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, có văn bản sai về nội dung. Việc ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết và cấp bách. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Do đó, trước hết, cơ quan ban hành, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị quan tâm làm rõ thêm về kỳ báo cáo và báo cáo kết quả giám sát. Trong đó, kết quả giám sát chỉ rõ những nơi làm được, chưa làm được hay ban hành chưa đúng thẩm quyền để hàng năm báo cáo Quốc hội. Qua đó, góp phần chấm dứt tình trạng nghị định không đầu hay việc luật ra đời rất lâu nhưng chưa có văn bản hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng cần quy định rõ tính chất pháp lý của Nghị quyết này để thể hiện sức mạnh và tính thuyết phục khi thực hiện văn bản, không chỉ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thực thi nhưng còn các cơ quan của Chính phủ, địa phương thực hiện. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng lưu ý đến việc quy định về trình tự thủ tục giám sát văn bản bí mật Nhà nước.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định rõ phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban theo lĩnh vực phụ trách được phân công và theo phân công, có giám sát thường xuyên và có giám sát theo chuyên đề và theo đột xuất. Từ đó có báo cáo định kỳ và có báo cáo đột xuất.

11.7.22-tv13-nq-huong-dan-giam-sat-1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại  phiên họp.

Nội dung nghị quyết cô đọng hơn như là một cẩm nang hướng dẫn, bổ sung các nội dung về nguyên tắc giám sát văn bản, bổ sung những nội dung cần thiết về trình tự, thủ tục giám sát bao gồm xây dựng kế hoạch giám sát, quy trình, thủ tục, việc công khai, công bố kết quả giám sát. Bổ sung quy định trường hợp Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội khi phát hiện thấy văn bản sai thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tùy theo nội dung công việc và thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Sau đó, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành việc thông qua Nghị quyết về mặt nguyên tắc. Đồng thời, giao Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 7/2022.

Quốc Huy