Số lượng trẻ mắc sốt xuất huyết tăng cao dẫn đến quá tải tại TP. HCM
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:45, 06/07/2022
Theo số liệu ngành y tế TP.HCM cho biết, từ trung tuần tháng 6/2022 đến nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết ở thành phố tiếp tục gia tăng. Ghi nhận đến ngày 30/6, toàn thành phố đã có 1.111 ổ dịch, 11 ca tử vong, nhiều trường hợp diễn tiến nặng, rất nặng.
Tính đến ngày 4/7 (theo số liệu của HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy tại thành phố là 21.750 trường hợp, tăng 181,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.726 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 346 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến nay là 1,6% (346/21.750) tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,4% (33/7.726).
Không chỉ quá tải ở một số bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện chuyên trị sốt xuất huyết mà một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết bị thiếu, đứt nguồn cung đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở y tế tại TP.HCM.
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối về nhi khoa điều trị sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết số lượng ca mắc sốt xuất huyết đang ngày một gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trung bình trong những tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 1.600 – 1.700 lượt bệnh nhi nội trú. Số lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú lẫn nhập viện tăng 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết theo số liệu ngày 4/7, tại khoa đang điều trị cho 120 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 20% các bé nặng, phải can thiệp về mặt hô hấp.
Cũng giống như các bệnh viện ở TP.HCM đang điều trị sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 2 cũng rơi vào tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử trong điều trị sốt xuất huyết như: HES 200, Dextran 40…, buộc phải sử dụng các thuốc thay thế.
Tại khu điều trị nội trú sốt xuất huyết của BV Nhi đồng 2, rất đông bệnh nhi mắc bệnh, phải can thiệp thở máy, hỗ trợ hô hấp.
Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi diễn tiến bệnh của trẻ gặp phải rất nặng, thậm chí rơi vào tình trạng mê man, sốt li bì nhiều ngày không hạ.
Có những trẻ đã sốt 3 ngày liên tục với nhiệt độ cao mà vẫn chưa thể hạ nhiệt. Cho đến khi các bác sĩ phải can thiệp ở liệu trình mạnh thì cơn sốt mới bắt đầu dứt..
Theo BS. Nguyễn Đình Qui - Phó khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết nếu bậc phụ huynh thấy con em của mình sốt cao liên tục 2-3 ngày không giảm, hạ sốt rồi lại sốt thì nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán lâm sàng có mắc sốt xuất huyết hay không.
Thông thường, khoảng 60% trẻ mắc sốt xuất huyết có thể điều trị ở nhà. Điều quan trọng của bố mẹ là phải theo dõi diễn tiến bệnh của con em mình, tránh tình trạng chủ quan, lơ là khiến trẻ trở nặng.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm chưa có vaccine phòng bệnh nhưng có thể phòng ngừa bằng một số hành động đơn giản hằng ngày. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêu diệt muỗi, lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt.
Hiện ngành y tế TP.HCM cũng đã lên kế hoạch đảm bảo thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động thu dung điều trị sốt xuất huyết sẵn sàng ứng phó với lượng bệnh nhân có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cũng đào tạo, tập huấn phác đồ điều trị sốt xuất huyết cho toàn bộ mạng lưới khám, chữa bệnh của thành phố và các tỉnh khu vực phía Nam.
Tăng cường các đợt kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình, công trình xây dựng, trường học... trên địa bàn.