Lãi suất huy động sẽ còn tăng trong nửa cuối năm 2022

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 16:18, 05/07/2022

Nhiều chuyên gia dự báo đến cuối năm 2022, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng do FED tăng lãi suất và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao.

Những ngày đầu tháng 7/2022, lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao. Nhiều ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động, trong đó có cả sự nhập cuộc đua của các ngân hàng quốc doanh - vốn dĩ ổn định mặt bằng lãi suất huy động lâu nay, đẩy mức lãi suất tại nhiều nơi đã vượt lên trên 7%/năm.

lai-suat-cuoi-nam.jpg
Lãi suất huy động sẽ còn tăng trong nửa cuối năm 2022

Theo nhận định từ giới phân tích, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), lạm phát và nhu cầu tín dụng phục hồi đang ngày càng tạo ra những áp lực lớn lên lãi suất tiền đồng. 

So với cuối năm 2021, đồng USD đã tăng giá thêm 9,44% và khiến cho phần lớn các đồng tiền khác đều có diễn biến giảm. Đồng VND - một trong những đồng tiền có diễn biến ổn định nhất so với USD, cũng đã mất giá 1,74% so với cùng kỳ năm trước.  

Trong 5 tháng đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang có xu hướng nâng lãi suất và áp lực ngày càng tăng trong những tháng đầu năm 2022.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), chính những yếu tố trên tạo nên áp lực tăng lãi suất mạnh lên các ngân hàng. 

VNDirect dự báo đến cuối năm 2022, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng do FED tăng lãi suất và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm nay. 

Các chuyên gia của VNDirect nhận định, quyết định tăng lãi suất của Fed nếu theo lộ trình sẽ tăng tiếp từ nay đến cuối năm 2022 có thể sẽ có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 20/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với mức 5,47% cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với mức tăng trưởng huy động trong nửa đầu năm là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên lãi suất tiền gửi. 

Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư.

Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi, khiến cho áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay tăng cao.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trang Nhi