Người đã khỏi Covid-19 có bị nhiễm biến thể phụ BA.5 không?

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:28, 04/07/2022

Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5...

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, biến chủng BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát.

Trong tuần qua, biến thể BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Do đó, phải lưu ý đến tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền.

laodong.jpeg
Tiêm vaccine cho công nhân và người lao động tại Trà Vinh. Ảnh: TR.L.

Việt Nam hiện đã có sự xâm nhập biến thể BA.5 của Omicron. Với sự xuất hiện của biến thể mới có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ BA.1 và BA.2.

Theo thông tin của WHO, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. "Trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, mạnh như hiện nay với biến chủng SARS-CoV-2, biện pháp chống lây lan nhanh hoặc các biện pháp hành chính xã hội, hoặc thuốc, gần như cơ bản khó đáp ứng được một cách lâu dài. Do đó, vaccine tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn", GS Phan Trọng Lân khẳng định.

Việc tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm đi nữa thì cũng sẽ nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, đặc thù của vaccine SARS-CoV-2 khi chậm lại, miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4-6 tháng. Vì vậy, cần tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. "Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để chúng ta phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.

Ở Việt Nam, đến nay, sau 4-6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, miễn dịch đối với những người này đã giảm, người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập. Cùng với đó, cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu - những người có nguy cơ cao.

"Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng", ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Đối với biến chủng mới, TS Socorro Escalante - Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, vaccine hiện tại Việt Nam đang sử dụng cũng có hiệu quả đối với các biến chủng BA.4 và BA.5.

"Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do Việt Nam khuyến cáo người dân tiêm các mũi vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại, mũi tăng cường", TS Socorro Escalante thông tin. 

Thảo Nguyên