Tòa án điện tử mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ tư pháp

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 14:53, 01/07/2022

Theo TS. Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử không chỉ có giá trị xã hội sâu sắc, giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ tư pháp mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho hoạt động của Tòa án, tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án: “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” của TANDTC, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã có những nhận định và định hướng cùng với TANDTC trong công cuộc chuyển đổi có tính cách mạng này.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Việt Nam đã qua một giai đoạn khá dài, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, những năm 2019-2021 là giai đoạn chuyển đổi, chứng kiến nhiều sự bứt phá trong hơn 20 năm ứng dụng CNTT của đất nước.

Năm 2019, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời, đây là một văn bản có tính tổng thể, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và phát triển kinh tế số.

nguyen-huy-dung.jpg
TS. Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại. Trong đó, chủ trương đẩy mạnh CĐS, phát triển kinh tế số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước.

Thực hiện định hướng của Đảng, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình CĐS quốc gia với ba trụ cột phát triển chính là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số. Về cơ bản, có thể thấy các chiến lược về CĐS Việt Nam đã hình thành và rõ ràng.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong xây dựng được một chương trình chuyên đề về CĐS quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi đề chúng ta chủ động khai thác triệt để các cơ hội, tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên mạnh mẽ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

CĐS là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng cách đưa người nông dân bán được các sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử; người dân được chăm sóc sức khỏe tại nhà, trực tuyến... Các hoạt động trên môi trường số giúp hình thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, hoạt động sản xuất, tiêu dùng mới nhưng đồng thời thay đổi căn bản các mối quan hệ trong các giao dịch truyền thống, làm phát sinh các các mỗi quan hệ mới chưa từng có tiền lệ.

Ở một khía cạnh khác, CÐS cũng mở ra một không gian mới, đó là không gian mạng. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc tham gia nhiều hơn vào các giao dịch trực tuyến trên không gian mạng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần có các phương pháp mới, toàn diện hơn trong việc phòng ngừa, đấu tranh, thu thập chứng cứ, xét xử, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Xây dựng Tòa án điện tử còn có giá trị xã hội sâu sắc

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dung nhận định, CĐS là đưa hoạt động của hệ thống Tòa án lên một môi trường mới, môi trường số. Đây là một xu thế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn đang có những diễn biến phức tạp. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, các quốc gia đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Tòa án, từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến, tống đạt điện tử, cung cấp và tiếp nhận chứng cứ trực tuyến đến xét xử trực tuyến,... đều là các quốc gia có chiến lược cải cách tư pháp hiện đại, có định hướng phát triển của tư pháp tiến bộ, tận dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của công nghệ hiện đại để thay đổi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Tòa án và thực thi công lý.

Cùng với đó, CĐS lĩnh vực Tòa án mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ cho hoạt động của Tòa án mà tạo ra những giá trị thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và-xã hội.

CĐS Tòa án với trọng tâm là xây dựng Tòa án điện tử tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng ở mọi nơi, mọi thời điểm thông qua nền tảng số, dịch vụ số như nộp đơn khởi kiện, cung cấp chứng cứ trực tuyến... Qua các nền tảng số được phát triển hỗ trợ Tòa án điện tử, người dân, tổ chức, doanh nghiệp còn có thể sử dụng các dịch vụ, tiếp cận thông tin như thông tin công khai bản án, án lệ; tra cứu các bản án, trợ lý ảo để người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý, hỗ trợ phân tích và dự đoán kết quả tố tụng... Từ đó, quyết định khởi kiện hoặc không khởi kiện, tránh tốn kém thời gian, công sức và chi phí khi có các khiếu kiện, tranh chấp cần Tòa án giải quyết.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số phục vụ CĐS hệ thống Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử còn có giá trị xã hội sâu sắc, giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ tư pháp. Tòa án điện tử tạo điều kiện cho các đương sự, nhân chứng, luật sư vì nhiều lý do khác nhau, như dịch bệnh, bệnh tật, ở xa, khó khăn vẻ kinh tế,... không thể trực tiếp có mặt tại trụ sở Tòa án mà vẫn có thể tham gia phiên tòa. Đặc biệt, trong một số trường hợp, giúp nạn nhân tránh phải tiếp xúc trực tiếp với bị cáo, bảo đảm bí mật đời tư, tránh cho các những tổn thương tiếp theo về tâm lý, nhân cách, danh dự.

Con đường về CĐS của hệ thống Tòa án đã định hình

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dung, CĐS lĩnh vực Tòa án nói chung và xây dựng Tòa án điện tử nói riêng là một thành phần quan trọng, cơ hữu và gắn liền với công cuộc CĐS Quốc gia. Chúng ta xây dựng chiến lược CĐS hệ thống Tòa án theo cách tiếp cận sau: Xây dựng khung pháp lý đảm bảo triển khai Tòa án điện tử, Xây dựng hạ tầng ICT, Xây dựng nguồn nhân lực hệ thống Tòa án đáp ứng yêu cầu hoạt động trên môi trường số, sử dụng công nghệ số; Các vấn đề nền tảng phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung, trong đó tận dụng tối đa công nghệ phát triển trên nền tảng số phục vụ tối ưu hóa hoạt động quản trị nội bộ Tòa án, nâng cao năng suất, chất lượng xét xử;

Tòa án một cửa với người dân, doanh nghiệp: Cung cấp cho người dân các dịch vụ tư pháp công và dịch vụ tư vấn pháp lý trên nền tảng thiết bị di động; Nhấn mạnh vai trò của đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá thực thi CĐS tại Tòa án các cấp để: Đánh giá việc thực thi; Đảm bảo phù hợp chiến lược và tiêu chuẩn; Đảm bảo không chồng chéo, lặp lại; Đảm bảo sự tuân thủ của các các Tòa án tại địa phương; Liên tục đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp.

Trong thời gian vừa qua, TANDTC đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo nội dung Đề án: “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó đã có đưa ra mô hình tổng thể của Tòa án điện tử Việt Nam bao gồm các thành phần chính: Hạ tầng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật số, nền tảng số và ứng dụng số. Đây là nội dung định hướng quan trọng, bước đi tiên quyết cần có cho việc chuyển đổi số của hệ thống Tòa án trong tương lai.

CĐS thì 70% là quyết tâm chính trị, là quyết liệt triển khai của lãnh đạo Tòa án, là tri thức của hệ thống Tòa án. Công nghệ chỉ chiếm 30%. Đề án được phê duyệt sẽ thể hiện quyết tâm chính trị, sự quyết liệt của lãnh đạo TANDTC và toàn bộ hệ thống Tòa án trong việc triển khai CĐS.

Thứ trưởng cho biết, CĐS là một cơ hội. Năm 2022 sẽ là năm hành động về CĐS. TANDTC đã xây dựng Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, với mục tiêu rất cao và khối lượng công việc rất lớn vào năm 2022-2023. Như vậy có thể nói nhận thức về CĐS đã rõ, chiến lược CĐS đã hình thành. Con đường về CĐS của hệ thống Tòa án đã định hình.

Mai Đỉnh