Quảng Nam “Sếu đầu đàn” Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:49, 01/07/2022
Ngày 01/7/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Tham dự Hội nghị một số đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam.
Đây là Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế.
Tại Hội nghị Bí thư tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: Quảng Nam xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước trong thời điểm vừa chia tách và là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ nên khó khăn chồng khó khăn.
Tuy nhiên, với truyền thống cách mạng “trung dũng, kiên cường”, ý chí quyết tâm, chung sức, đồng lòng, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển (1997 - 2022), gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW; Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển KT-XH với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 68,9% (năm 2005) lên gần 86% (năm 2021). GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 5,1 triệu đồng/người (năm 2004) lên 67,6 triệu đồng/người. Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 23 ngàn tỷ đồng, gấp 15,4 lần so với năm 2005; trong đó, thu nội địa tăng gấp 31,24 lần, thu xuất nhập khẩu tăng 5,5 lần; là một trong 16 tỉnh, thành có đóng góp về ngân sách Trung ương.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh có những tín hiệu phát triển rất khả quan; chỉ số sản xuất trên các lĩnh vực tăng mạnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa và Nghệ An). Tốc độ tăng trưởng (giá so sánh) đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương có quy mô và mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện là 18.681 tỷ đồng (đạt 78,8% dự toán năm) trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.600 tỷ đồng (đạt 71,6% dự toán năm).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 đánh giá cao công tác tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của tỉnh Quảng Nam.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như:
Thứ nhất: Phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, mạnh về kinh tế biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, kinh tế biển là trụ đỡ…
Thứ hai: Phát triển bền vững các tiểu vùng; đẩy mạnh phát triển đô thị, hình thành một mạng lưới đô thị có tầng bậc, liên kết và hỗ trợ phát triển lẫn nhau…
Thứ ba: Khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư coi đây như những “dư địa” cần được khai thác để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tư: Sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phải có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia và là công cụ quản lý, hỗ trợ thu hút đầu tư và quản lý phát triển.
Thứ năm: Thứ sáu, phối hợp hoàn thiện thể chế và cơ chế để tăng cường liên kết vùng, nhất là với các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế, nhất là các tỉnh Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Thứ sáu: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường xây dựng chỉnh đón Đảng vững mạnh toàn diện; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Thứ bảy: Tăng cường thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tám: Bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Thứ chín: Đối với một số kiến nghị của Tỉnh, ngoài những vấn đề đã được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, trao đổi tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để lựa chọn đưa vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW hoặc chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của Tỉnh.
Hội nghị lần này đã đóng góp quan trọng với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 để đảm bảo tổng kết Nghị quyết 39 theo đúng quy định và kế hoạch đề ra, qua đó có thêm cơ sở xây dựng nghị quyết mới.