TAND huyện Chi Lăng: Nhìn lại thành công từ phiên tòa trực tuyến
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 08:56, 30/06/2022
Sáng 27/6/2022, tại huyện Chi Lăng, phiên tòa trực tuyến xét xử 2 vụ án hình sự đã diễn ra thành công. Tại phiên tòa, hai đối tượng Nông Văn Tuấn (SN 1991, trú tại thôn Kéo Phầy, xã Bằng Hữu) và Kiềng Trung Nguyên (SN 1996, trú tại thôn Bản Dù, xã Vân Thủy, Chi Lăng) đã phải chịu 2 bản án nghiêm minh của pháp luật với mức án lần lượt là 4 năm tù cho tội danh mua bán trái phép chất ma túy và 3 năm 6 tháng tù cho tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Được biết, trước khi tổ chức phiên tòa, mọi điều kiện về nhân lực, vật lực còn rất hạn chế. Cụ thể, về cơ sở vật chất, tại điểm cầu trung tâm là TAND huyện Chi Lăng và điểm cầu thành phần Nhà Tạm giữ Công an huyện đều chưa được lắp đặt các thiết bị cần thiết như màn hình, máy tính, hệ thống âm thanh, đường truyền. Về nhân lực, đội ngũ thẩm phán, cán bộ TAND huyện, cũng như những người tham gia đều chưa có kinh nghiệm tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến nào trước đó…
Tuy còn những hạn chế nhất định về nhân lực, vật lực, nhưng TAND huyện Chi Lăng lại nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan của tỉnh như TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Công an và THA tỉnh đã tin tưởng chọn là đơn vị “tiên phong”. Bên cạnh đó, với sự quan tâm giúp đỡ trực tiếp từ phía Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chi Lăng cùng các cơ quan doanh nghiệp như VNPT huyện Chi Lăng cùng phối hợp tổ chức, quyết tâm thực hiện với nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn.
Chia sẻ về sự thành công của phiên xét xử, bà Trần Thanh Nhàn – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng nhận định: "Lần đầu tiên chúng tôi được theo dõi một phiên tòa từ vị trí cách xa cả nơi xét xử và nơi tạm giữ phạm nhân. Phiên tòa diễn ra thành công đã cho thấy những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong việc tham gia tổ chức phiên xét xử. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; vừa góp phần rất lớn vào việc đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung".
Cùng với ghi nhận những thành quả đã đạt được, TAND huyện Chi Lăng đã chủ động họp rút kinh nghiệm để nhìn nhận những thành công và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, đánh giá về những tiêu chí của một vụ án có thể tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến; việc đảm bảo đường truyền, trang thiết bị về hình ảnh, âm thanh, mạng lưới điện là yếu tố then chốt. Hơn nữa, còn cả vấn đề về kinh phí tổ chức cho phiên tòa trực tuyến cũng cần phải được xem xét, chủ động, bởi với 1 điểm cầu đã có thể phải chi phí cả gần tỷ đồng.
Là đơn vị “tiên phong”, bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng cho biết: "Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, chúng tôi đã đề nghị và được phía doanh nghiệp VNPT huyện Chi Lăng hết sức hỗ trợ lắp đặt trang thiết bị, đường truyền ở cả 2 điểm cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực trao đổi, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia phiên tòa để thống nhất về quy trình thực hiện; dự kiến kịch bản và tổ chức diễn tập nhằm đảm bảo các thiết bị vận hành tốt, các vị trí cùng mọi hoạt động trong quá trình xét xử diễn ra theo dự kiến. Đặc biệt, tính chất vụ án đưa ra xét xử cũng là yếu tố được cân nhắc lựa chọn để vừa không quá phức tạp, lại mang tính tuyên truyền, răn đe, giáo dục cao, phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn".
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, trong suốt quá trình xét xử 2 vụ án không có sự cố nào về đường truyền, âm thanh, hình ảnh; các đối tượng được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo sự kịp thời và nghiêm minh của pháp luật. Trong suốt quá trình xét xử, phiên tòa nhận được sự quan tâm theo dõi của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và đại diện lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn cũng xuống tham dự.
Từ những kết quả và bài học kinh nghiệm có được, theo bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng: "Chúng tôi vẫn cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện quy trình và công tác tổ chức, điều hành các phiên tòa xét xử trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của TAND tỉnh, của lãnh đạo huyện để đảm bảo được trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người; cũng như sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan để góp phần hiện đại hóa hoạt động xét xử, đảm bảo kịp thời, minh bạch và sự nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với xu thế của đất nước và thế giới".