TP.HCM gần đỉnh dịch sốt xuất huyết: Bệnh viện quá tải, thiếu thuốc điều trị
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:18, 28/06/2022
Tính đến tuần 25, TP.HCM ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.542 ca. Trong đó, số ca SXH nặng là 311 ca chiếm 1.6% tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần 25 (từ ngày 17/06/2022 đến 23/06/2022), TP.HCM ghi nhận 2.548 ca bệnh SXH, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước.
TS Nguyễn Vũ Thượng - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, đến nay phía Nam có hơn 56.000 trường hợp, số nặng 2,81%, tổng có 42 trường hợp tử vong vì SXH, cao nhất cả nước.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang trong tư thế có thể "vỡ trận" vì số bệnh nhi nhập viện chỉ trong 6 tháng đầu năm tăng gấp 4 lần so với cả năm 2021.
Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022 số bệnh nhi nhập viện hơn 4.000 ca, trong đó có 21% tỷ lệ bệnh nhi sốc SXH, hôn mê và kèm các bệnh lý nền dẫn đến công tác điều trị kéo dài và khó khăn. Đặc biệt, chỉ trong vòng tháng 5 và tháng 6 mỗi tháng có hơn 100 ca sốc SXH nặng, trong khi năm 2021 mỗi tháng chỉ có khoảng 20 ca.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng gặp khó khăn là thuốc vận mạch Dopamin trong điều trị SXH đang dần cạn kiệt, để không bị đứt gãy điều trị, bệnh viện đang thay thế bằng Andrenalin và các thuốc kết hợp khác.
Phía Nam hiện có 3 bệnh viện tuyến cuối điều trị SXH cho bệnh nhi, nhưng đối với người lớn chỉ có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận. Hiện nay, số lượng bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới tăng gấp 4 lần so với tháng 1/2022. Tất cả các khoa đều quá tải điều trị cho bệnh nhân SXH nặng.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế chiều 27/6, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua rút kinh nghiệm các trường hợp tử vong, hội đồng chuyên gia nhận thấy số ca diễn tiến nặng tập trung ở trẻ béo phì và phụ nữ có thai. Trong khi đó, điều trị SXH chưa có hướng dẫn cụ thể với nhóm đối tượng này. Sở Y tế đang giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các Bệnh viện phụ sản xây dựng phác đồ.
Trước tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử điều trị, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lại phác đồ điều trị, sử dụng dung dịch Hes 130 để thay thế nên chưa nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế phản ảnh phương án sử dụng Hes 130 hồi sức các ca nặng, sốc chỉ là tạm thời, không hiệu quả bằng Dextran 40. Trong khi đó, Dextran 40 đang khan hiếm do nhiều nước không còn sử dụng vì tác dụng phụ và đã thanh toán được bệnh SXH, doanh nghiệp không dám nhập về.
Từ thực tế đó, BS Châu kiến nghị Bộ Y tế cần khẩn trương tìm nguồn cung ứng thuốc để các bệnh viện điều trị kịp thời cho người bệnh và có quỹ dự phòng để mua các loại thuốc quý, thuốc hiếm sử dụng trong những lúc cần thiết.
Trước những diễn biến này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã lưu ý cần phải điều phối để giảm tải, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.
Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện quận huyện cần tăng cường tiếp nhận bệnh nhân ban đầu, khi bệnh nhân có sốt cần nghĩ ngay đến SXH để kịp thời chẩn đoán sớm. Điều này sẽ giảm ca nặng và giảm tải cho tuyến trên.
"Chúng ta phải tập trung vào công tác điều trị, tập huấn, giải quyết bài toán quá tải, làm sao chúng ta có dư địa thật tốt để phục vụ công tác điều trị. Cố gắng làm sao theo như Tổ chức Y tế Thế giới là giảm bớt số tử vong", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Dự kiến Bộ Y tế sẽ thành lập ban điều phối vùng để điều phối công tác điều trị SXH của các bệnh viện khu vực phía Nam.
Các chuyên gia sẽ thường xuyên sẽ thường xuyên tập huấn để hỗ trợ tăng năng lực các tuyến, điều trị sớm cho người dân, hạn chế thấp nhất chuyển nặng, tử vong.