Vết trượt dài của một cô giáo giỏi

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:58, 26/06/2022

20 năm công tác trong ngành giáo dục, Nguyễn Thị Kim Anh đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi… nhưng rồi người giáo viên đó lại để mình trượt dài trong chữ tiền, trở thành “siêu lừa” và đánh mất tất cả.

Đứng trước bục khai báo, Nguyễn Thị Kim Anh (Nguyên giáo viên trường Tiểu học Kỳ Thư, SN 1978, trú tổ dân phố Hưng Hòa, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tiều tụy khá nhiều so với những ngày đứng trên bục giảng. Đôi mắt đăm chiêu, đầy hối hận, phía sau Kim Anh là những người bị hại với khuôn mặt cũng đầy bất an, nhiều người trong số đó đã từng coi Kim Anh như là chị em thân thiết, là hàng xóm, là chỗ tin cậy trong cuộc sống.

anh-1...jpg
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh tại phiên xử

Cáo trạng nêu rõ, bằng sự linh hoạt của mình, Kim Anh nắm được tâm lý của nhiều người có con em vừa ra trường cần xin việc làm, từ đó Kim Anh “đánh tiếng”, hứa hẹn đi xin việc vào biên chế các ngành: công an, bệnh viện; kế toán... trong các cơ quan Nhà nước, hải quan, sân bay… nếu không xin được việc sẽ hoàn lại tiền đầy đủ. Cũng vì vậy mà số người bị Kim Anh lừa lên đến con số hàng chục người.

Tháng 4/2017, con gái của bà V.T.L. (SN 1965, trú phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) tốt nghiệp một trường Đại học ở Hà Nội, con ra trường cũng là lúc bố mẹ “chạy nước rút” để dò hỏi tin tức về các vị trí, đơn vị tuyển dụng liên quan đến ngành học của con.

Trong một lần đi chợ, bà L. vô tình gặp người hàng xóm là Kim Anh, bà L. như “người trúng số” khi từ Kim Anh biết được đợt này đang có thi tuyển, xét tuyển công chức tại TX Kỳ Anh và nếu con gái bà L. có nguyện vọng vào vị trí văn phòng, Kim Anh sẽ lo lót để đảm bảo trúng tuyển.

Với vở bọc là một giáo viên giỏi, có mối quan hệ, Kim Anh dễ dàng dựng lên một “kịch bản” hay để bà L. vừa tự nguyện đưa tiền vừa phấn khởi. Kim Anh cam kết nếu con gái thi đỗ, toàn bộ chi phí hết 150 triệu đồng và nếu không, gia đình chỉ mất 20 triệu tiền làm hồ sơ, thủ tục... Tin tưởng, bà L. đã đưa cho người này tổng số tiền 150 triệu đồng. Ngoài ra Kim Anh còn hứa nếu sau 2 tháng không xin được việc sẽ trả lại tiền cho bà L.. Vậy nhưng, sau nhiều tháng chờ đợi, việc thi tuyển của con gái vẫn giẫm chân tại chỗ khiến bà L. vô cùng sốt sắng.

Đầu năm 2018, chứng kiến nhiều người dân tụ tập trước nhà Nguyễn Thị Kim Anh đòi nợ, bà L. tìm hiểu và ngỡ ngàng khi biết rằng mình đã trở thành nạn nhân.

Ngoài lừa tiền của người khác bằng hình thức chạy việc, Kim Anh còn lấy các lí do khác như cần tiền để đảo vốn ngân hàng, vay tiền cho người khác giải quyết công việc, vay tiền trong một thời gian ngắn sẽ trả lại, vay lần này nữa rồi sẽ thanh toán hết các khoản nợ trước đó... để lừa tiền của người khác.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2017, Nguyễn Thị Kim Anh đã vay mượn tiền của nhiều người với tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng nhưng không có khả năng hoàn trả. Để kéo dài và có tiền trả số nợ này, Kim Anh đã tìm đủ mọi lý do để vay tiền rồi tự đẩy mình và trượt dài vào con đường lừa đảo.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2019, Nguyễn Thị Kim Anh đã thực hiện 57 lần lừa đảo chiếm đoạt của 26 bị hại trên địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Ninh Thuận với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Thị Kim Anh đã trả lại một phần cho 11 người bị hại với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, còn lại gần 6,5 tỷ đồng, nữ giáo viên này không có khả năng hoàn trả.

Trong đó, 44 lần lừa đảo bằng hình thức vay mượn, đã chiếm đoạt số tiền hơn 3,3 tỷ đồng và 13 lần lừa đảo bằng hình thức xin việc làm, đã chiếm đoạt gần 3,8 tỷ. Trong các nạn nhân của Nguyễn Thị Kim Anh, người bị lừa nhiều nhất là 890 triệu đồng và ít nhất là 20 triệu đồng.

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Kim Anh thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ để có cơ hội sửa sai, đồng thời gửi lời xin lỗi đến các gia đình bị hại.

Lý giải về việc từ một người giáo viên cần mẫn, chịu khó rồi trượt dài trở thành kẻ siêu lừa trong mắt người khác, Kim Anh cho biết do thời gian đầu gia đình hoàn cảnh, thiếu thốn đủ bề nên mới đi mượn vốn làm ăn và chi tiêu, sau đó tiền gốc lẫn tiền lãi tăng nhanh, bản thân không còn khả năng chi trả nên mới làm liều lừa đảo…

“Do bản thân không tỉnh táo, đi vay lãi nóng nên “lãi mẹ đẻ lãi con”. Trong suốt một thời gian dài, bị cáo luôn sống trong cảm giác lo sợ, ám ảnh khi liên tục bị đòi nợ. Chính vì vậy, bị cáo đã làm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do để có thể tiếp tục vay tiền, thậm chí lừa đảo”, Kim Anh nói trước tòa.

Tại phiên xử, HĐXX đã làm rõ thêm các nội dung liên quan đến khoản tiền 5,9 tỷ đồng mà Nguyễn Thị Kim Anh vay mượn trước thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, đây là quan hệ dân sự, vay mượn thông thường, không cấu thành tội phạm. Vì vậy, không xem xét, giải quyết trong vụ án này, các bên liên quan tự giải quyết hoặc có thể khởi kiện dân sự để xem xét xử lý.

Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, phải bồi thường cho các bị hại gần 6,5 tỷ đồng.

Từng là giáo viên, đứng lớp giảng dạy chuyên môn và điều hay lẽ phải cho học sinh, được bạn bè đồng nghiệp tin quý nhưng vì lòng tham Kim Anh đã tự đẩy mình vào con đường phạm pháp, phải chịu sự trừng trị của pháp luật, từ vị thế của một giáo viên tiểu học đã phải rời khỏi bục giảng để đếm bước vào trại giam.