Bộ Ngoại giao thông tin việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án Ngụy Thị Khanh

Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 24/06/2022

Liên quan vụ án Ngụy Thị Khanh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định đối tượng này bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động, ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở, không đúng với bản chất của vụ việc.
nguy-gia-khanh-bi-truy-lo-ve-toi-danh-kinh-ke-khong-phai-xu-ly-hinh-su-ve-bien-doi-khi-hau.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao : Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này.

Tại họp báo thường kỳ ngày 23/06, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án Ngụy Thị Khanh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Ngày 17/06/2022, TAND Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 02 năm tù giam đối với Ngụy Thị Khanh về hành vi “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ Luật Hình sự. Quá trình điều tra cũng như xét xử được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việt Nam triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm từng bước nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật của công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Cũng cần phải khẳng định lại, Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khi hậu, phát triển xanh và bền vững. Điều này cũng đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chính sách chủ trương của Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn. Chính phủ Việt Nam cũng tiến hành thường xuyên và rộng rãi việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách pháp luật về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Những tổ chức hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển xanh ở Việt Nam cũng tham gia và có những đóng góp đã được ghi nhận.

Từ những nội dung đề cập ở trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động, ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở, không đúng với bản chất của vụ việc.

Trọng Bằng