Hành trình thi ca của Ngọc Lê Ninh kết tinh nhiều giá trị trong "Hạt mưa thầm"

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 22:28, 19/06/2022

Hành trình thi ca của người thơ Ngọc Lê Ninh kết tinh nhiều giá trị trong tập thơ này.

Đó là nhận xét của TS Huỳnh Thu Hậu (Đại học Quảng Nam). Báo Công lý xin trân trọng giới thiệu bài viết này tới độc giả.

Cảm quan nhân văn mới mẻ

Nhan đề thi phẩm là một sự thách thức, một biểu tượng kép gieo vào lòng chúng ta.. Mưa là thi ảnh đầy gợi sức, rung cảm mà lại là mưa thầm. Có phải thiên nhiên kia lặng lẽ khóc vì cơ thể sống của mình đang ngày ngày nhận lấy biết bao nhiêu tổn thương trước sự khai thác mang tính tàn phá của con người? Có phải giọt mưa ấy cũng chính là giọt nước mắt của người thơ nhỏ xuống trong tim trước cõi nhân gian đầy ắp muộn sầu? Có phải đó là giọt nước mắt cho một tình yêu không nói thành lời và biết đâu cũng chính là mối tình với thi ca? Mưa của đất trời hay cũng chính là nước mắt của thi nhân, của loài người.

Hành trình thi ca của Ngọc Lê Ninh kết tinh nhiều giá trị trong
Tập thơ "Hạt mưa thầm" của Ngọc Lê Ninh

Có thể nói, "Hạt mưa thầm" là sự hòa quyện của diễn ngôn thế sự, tình yêu và thi ca. Phổ đề tài đau đáu trong "Hạt mưa thầm" trước hết là cảm quan sinh thái, lấy tiếng nói của mẹ thiên nhiên làm trung tâm được thể hiện qua nhiều thi phẩm như "Thơ mất ngủ", "Hồn thiên tạo", "Miền hư ảo".

Vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Ngọc Lê Ninh không phải vẻ đẹp thường thấy như trong truyền thống thi ca với trăng, gió, hoa, rừng biếc xanh mà là vẻ đẹp của một thiên nhiên đang bị tàn phá. Sự lụi tàn của bà mẹ thiên nhiên vì sức hủy diệt của con người. Chính nơi đây, cảm thức sinh thái trỗi dậy. Người thơ lên tiếng phản khảng hành động tàn phá của con người, làm ô nhiễm môi trường.

Những thi ảnh day dứt, ám ảnh đau đáu về thiên nhiên tươi đẹp đã mất cứ bày ra: "Đêm mất ngủ bên dòng sông vừa chết/Hồn sóng kia lưu lạc ở phương nào/Nghe cát sỏi đầu thai vào kiếp khác/Mất sông rồi tôi khóc vỡ chiêm bao/ Đêm mất ngủ bên cánh rừng vừa chết/Hồn cây đi lảo đảo giữa sương tàn/Nghe ám ảnh những đời ma lẩn khuất/Rừng đâu còn ta gục xuống mê man"...

"Thơ mất ngủ" là một trong những bài thơ hay, độc, lạ của Ngọc Lê Ninh. Với anh, tự nhiên cũng có linh hồn, cũng có cuộc đời, vạn vật hữu linh: sông chết, sóng có hồn, cát sỏi đầu thai, hồn cây, rừng chết. Con người không phải trung tâm nữa mà chính là thiên nhiên đang thống thiết cất lên tiếng kêu cứu đòi quyền sống mới là trung tâm: "Đêm hết ngủ cá muôn loài hết ngủ/Mắt trừng trừng chúng căn vặn nhìn tôi/Chính các người gây bao mùa thảm họa/Trái đất buồn đau đớn hóa mồ côi/Đêm khát ngủ bên mây ngàn khát thở/Cả ngàn sao hấp hối giữa tro tàn/Bầu sinh quyển còn chăng sau tiếng nổ/Đau một trời khói bụi mắt thời gian".

Cảm quan nhân văn mới mẻ ấy mở đầu cho tập thơ "Hạt mưa thầm" như một lời tuyên ngôn gián tiếp người thơ muốn gửi gắm cho bạn đọc hãy hành động vì một môi trường tự nhiên trong xanh, tươi đẹp, bền vững.

Tình thơ đặc sắc

Bên cạnh đó, thơ tình là phần đặc sắc với nhiều bài mạnh mẽ, bạo liệt như "Dự tình", "Tình lốp", "Long đong tình", "Gông tình", "Bản thảo tình", "Nóng ran mùa thay lá"… Tình trong thơ anh có cái riết róng, nồng nàn, mãnh liệt, đầy dục tính, phồn sinh: "Anh còn đứng chần chừ chi! Anh hỡi!/Hãy ôm em! Tay siết chặt gông tình!/Nghe tim dồn đập rộn thuở mình xanh/Mắt trong mắt! Môi ghì môi tỏa lửa!/Hãy xoắn xoáy vào nhau! Thêm thêm nữa!/Cho đồi non run lá rối rừng sâu!/Cho gió lùa trong cỏ ướt dài lâu!/Cho suối chảy ngược lên miền nắng khát/Cho hương nhớ lừng men đời thơm ngát!/Cho hồn yêu thở gấp gấp cùng mây"! (Gông tình).

Càng yêu càng dự cảm phôi pha, vì thế người thơ hơn ai hết muốn cháy lên trong biển tình dào dạt vô biên.

Nhà thơ Ngọc Lê Ninh
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh

Người đàn ông trong thơ anh toàn triệt yêu thương với những cuồng điên, những khát khao kì dị lạ thường: "Ta yêu nàng yêu say đắm cuồng điên/Ta đã trói hình em trong giấc mộng/Ta gọi tên em cả hai đầu kỳ vọng/Em là thiên thần hay quỷ sứ, yêu ma/Thì cứ về ngự trị trái tim ta/Mà vây hãm giam cầm ta mãi mãi". Bài thơ tình theo tôi hay nhất là bài "Nóng ran mùa thay lá": "Nào nhóm tình hai đứa!/Ngùn ngụt cháy bờ môi!/Lửa yêu bùng mắt nhớ!/Khói thở toả thơm đời!/Trái tìm trào máu sôi!/Dung nham tình tan chảy!/Sáng bừng tuổi đôi mươi!/Tế bào yêu run rẩy!/Vòng tay ghìm vòng tay!/Nóng ran mùa thay lá/Bão thương giật mê say!/Mưa xối miền xa lạ!".

Cả bài thơ như được viết trong một cảm xúc cực đỉnh, tuôn trào không gì ngăn được như những lớp sóng tình bật tung, từ ngữ tự nó gọi mời nhau, hô ứng nhau tràn ra trên mặt giấy và nhà thơ chỉ cầm bút mà ghi lại: nhóm, cháy, bùng, tỏa, trào, tan, giật.

Sự khẳng định đầy duyên nợ

Hành trình thơ của anh là một sự khẳng định đầy duyên nợ, anh sinh ra là để dành cho thơ: "Xưa mong làm thơ để sống/Gửi tình chẳng thấy hồi âm/Ngày đêm bút cầm mong ngóng/Trái tim rớt hạt mưa thầm/Chợt nghe thơ giăng xanh báo/Lòng chờ hy vọng biệt tăm/Tay lần đếm hạt mộng ảo/Mắt thiền căng đến xa xăm/Mơ làm thương gia giàu nhất/Đi buôn cụt vốn lòng sầu/Nàng thơ nguẩy mình đánh gót/Giật mình viết đến mai sau".

Chao ôi, từ “nguẩy” hay đến đáo để. Như thể nàng thơ đang giận dỗi, hờn yêu với thi nhân. Trở về với văn chương là cuộc trở về thi vị nhất, lãng mạn nhất, tài hoa nhất để giữ lấy cho đời và cho mình vẻ đẹp chân, thiện, mĩ sau tất cả những được, mất trong cõi nhân gian lắm muộn sầu. Anh là người thận trọng với chữ nghĩa hay nói cách khác có ý thức thường trực để làm mới mình trong thơ.

Tiến sĩ Huỳnh Thu Hậu
Tiến sĩ Huỳnh Thu Hậu

Thơ anh vì thế kiến tạo được hiện thực đang trong quá trình vận động. Thơ của người sống giữa thời đại mình với tất cả sự va đập, trăn trở, nghiền ngẫm, suy tư. Bài thơ "Tình quặng" đa nghĩa kết thúc thi phẩm "Hạt mưa thầm" mà như mở ra trong ta bao nhiêu ý nghĩ: "Em có nghe lòng đất âm vang/Hoà nhịp tim anh khao khát rộn ràng/Lộ trình mới giục anh đi tìm quặng/Lội qua suối vượt sông trong thầm lặng/Vượt bao đèo xuyên nắng, xuyên mưa/Bàn tay anh cầm búa say sưa/Gõ vào lòng đá/Gõ vào những kỷ nguyên kỳ lạ/Gõ vào trầm tích xa xăm/Gõ vào đứt gãy mấy triệu năm/Gõ vào nhàu nát/Gõ vào biến chất/Gõ vào phong hoá/Gõ vào những thế nằm nghiêng ngả".

Quặng vừa là quặng thiên nhiên, có thể đó là mỏ dầu như anh nói. Đó cũng có thể là quặng chữ đối với người nghệ sĩ. Diễn ngôn trong "Tình quặng" nói về quá trình lao động vất vả, thống khoái của nhà thơ từ ngàn quặng chữ phải chọn lọc lấy một chữ, một chữ thôi mà có sức lay động lòng người mọi thời.

"Hạt mưa thầm" là tiếng hát tâm hồn của một người thơ có đôi mắt của một triết gia, trái tim đầy lửa của một người tình nồng nàn, bạo liệt và ý thức của một nhà thơ đau đáu với thi ca: "Đêm nằm nghe tiếng bút/Từ kiếp người đa mang/Trên cánh đồng trau chuốt/Con chữ đời lang thang"...

TS Huỳnh Thu Hậu (Đại học Quảng Nam)