Thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam từ 01/9/2022

Chính trị - Ngày đăng : 10:54, 16/06/2022

Sáng nay 16/6, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
15-06-2022_01-42-07_202206151509389548_ket-qua-nd2.jpg

Theo đó, Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an.

Nghị quyết nêu rõ, Trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam.

Tổ chức hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.

Việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết cũng nêu rõ, không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau:

Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Phạm nhân đã bị kết án từ 02 lần trở lên; Phạm nhân tái phạm nguy hiểm; Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng;

Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 07 năm; Phạm nhân là người nước ngoài; Phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Phạm nhân dưới 18 tuổi;

Phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên; Phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại “Kém”; Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc; Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.

Quốc hội giao VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

UBND cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với trại giam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022. Thời gian thí điểm thực hiện trong 05 năm.

15-06-2022_01-42-07_202206151509389704_quang-ngai-2-.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe UBTVQH báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo nghị quyết này.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh (khoản 1 Điều 1), nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; có ý kiến đề nghị quy định chủ thể tham gia hợp tác với trại giam chỉ là “tổ chức của Việt Nam”, không áp dụng đối với chủ thể là cá nhân và tổ chức nước ngoài.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý, chỉ quy định “tổ chức trong nước” là chủ thể tham gia hợp tác với trại giam trong việc tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Thời gian thí điểm cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu trong quá trình thảo luận. Một số ý kiến đề nghị thí điểm 03 năm để khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự quy định chính thức mô hình này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tán thành với thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm.

UBTVQH nhận thấy, quy định thời gian thực hiện thí điểm 05 năm như dự thảo Nghị quyết là phù hợp để có đủ thời gian tổng kết, đánh giá hiệu quả thí điểm và bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức đã đầu tư cơ sở vật chất hợp tác với trại giam. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ thời gian thí điểm như tại Điều 2 là 5 năm.

Ngoài những vấn đề nêu trên, ĐBQH còn góp ý về nội dung của dự thảo văn bản quy định chi tiết của Chính phủ và một số vấn đề cụ thể khác: UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu toàn diện ý kiến của các vị ĐBQH.

Ngoài ra, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ dự thảo Nghị quyết để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp trình Quốc hội xem xét thông qua.

Mai Thoa