Tin vắn thế giới ngày 13/6: Nga chính thức rút khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền

Chuyển động - Ngày đăng : 07:34, 13/06/2022

Đảng Lao động Triều Tiên kêu gọi bài trừ thói quan liêu; Nga chính thức rút khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền; Nga tiếp tục chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Đảng Lao động Triều Tiên kêu gọi bài trừ thói quan liêu

Ngày 13/6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã kêu gọi các quan chức nước này loại bỏ tận gốc những hành vi “phi cách mạng”, chẳng hạn như thói quan liêu.

Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã đưa ra lời kêu gọi trên tại hội nghị do Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên triệu tập ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 12/6 để thảo luận về những nhiệm vụ cấp bách mà Đảng Lao động Triều Tiên đang phải đối mặt.

kim-jong-un-13062022.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/TTXVN

Tổng thống V.Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết nhân Ngày nước Nga

Ngày 12/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng công dân nước này nhân Ngày nước Nga (Quốc khánh Liên bang Nga), đồng thời nhấn mạnh rằng điều đặc biệt quan trọng đối với người dân Nga hiện nay là sự đoàn kết.

Trong tuyên bố, Tổng thống Putin nêu rõ: "Tôi chúc mừng các bạn và tất cả công dân của đất nước nhân Ngày nước Nga, ngày lễ vinh danh đất nước, quê hương của chúng ta, với niềm tự hào về lịch sử, niềm tin vào tương lai của đất nước. Hôm nay, chúng ta đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết đối với Tổ quốc, xã hội và mọi người dân".

IAEA hối thúc Iran nối lại đàm phán hạt nhân

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 12/6 đã hối thúc Iran nối lại tiến trình đàm phán “ngay lập tức” nhằm tránh khỏi một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến “vô cùng nhiều khó khăn mới” trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015.

Trước đó, Tehran đã ngắt kết nối một số camera do các thanh sát viên quốc tế lắp đặt để giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran. Động thái này là nhằm đáp trả phương Tây tại IAEA hôm 8/6 thông qua nghị quyết cáo buộc Iran thiếu hợp tác. Theo Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, 27 camera giám sát “đã bị gỡ bỏ” và đây là “động thái vô cùng nghiêm trọng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy đối thoại

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, bên lề Đối thoại Shangri-La 2022 tại Singapore, ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã tiến hành cuộc hội đàm song phương.

Hàn Quốc khẳng định bình thường hóa hợp tác an ninh với Nhật Bản

Ngày 12/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup tuyên bố nước này chủ trương "bình thường hóa" hợp tác an ninh với Nhật Bản và tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Bày tỏ quan ngại về "các nỗ lực đơn phương (của Bắc Kinh) nhằm thay đổi hiện trạng", Bộ trưởng Quốc phòng Kishi cho biết đã hối thúc Trung Quốc "kiềm chế" các hành động tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng biển gần Quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền vào gọi là Điếu Ngư.

Nga chính thức rút khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền

Ngày 11/6, cổng thông tin pháp lý chính thức của LB Nga đã công bố các tài liệu liên quan về việc Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua luật về việc không thi hành các quyết định của Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) ở Nga.

Cụ thể, các quyết định của ECHR được thông qua sau ngày 15/3/2022, thời điểm Nga nộp đơn xin rút khỏi Hội đồng châu Âu, sẽ không được thực hiện, trong khi việc thanh toán bồi thường theo các quyết định của ECHR sẽ chỉ được thực hiện bằng đồng ruble và chỉ cho các tài khoản trong các ngân hàng của Nga. Ngoài ra, các phán quyết của ECHR sẽ không được xem là cơ sở để xem xét các quyết định do các tòa án Nga đưa ra.

putintop.jpg
Tổng thống Vladimir Putin

Nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thống nhất về khuôn khổ dự luật kiểm soát súng đạn

Một nhóm gồm 20 thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ ngày 12/6 đã nhất trí về khuôn khổ đối với dự luật kiểm soát súng đạn, bao gồm ủng hộ luật “cờ đỏ” và kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với những người mua súng dưới 21 tuổi.

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy và Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn nêu rõ: “Kế hoạch của chúng tôi nhằm bảo vệ tính mạnh cho mọi người, cũng như bảo vệ quyền lập hiến của những người dân Mỹ tuân thủ luật pháp".

Trung Quốc công bố lập trường về vấn đề phát triển hạt nhân

Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân mới, song khẳng định nước này sẽ chỉ sử dụng với mục đích phòng vệ và sẽ không bao giờ là bên sử dụng vũ khí này trước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bác tin tổ chức tổng tuyển cử sớm

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/6 dẫn lời ông Recep Tayyip Erdogan bác bỏ thông tin sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sớm.

Trước đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/6 xác nhận ông sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2023, đồng thời bác bỏ những tin đồn về cuộc bầu cử trước thời hạn. Đây là lần đầu tiên ông Erdogan, tại nhiệm từ năm 2003, chính thức thông báo sẽ tái tranh cử.

Pakistan cam kết nỗ lực ngăn chặn vấn nạn sử dụng lao động trẻ em

Tổng thống Pakistan Arif Alvi ngày 12/6 tuyên bố Islamabad cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong việc ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em, đồng thời kêu gọi các bên liên quan lên tiếng chống lại tệ nạn xã hội này.

Ông khẳng định rằng Hiến pháp Pakistan quy định trẻ em dưới 14 tuổi không được tham gia lao động dưới bất kỳ hình thức nào và mọi trẻ em cần có được một môi trường an toàn.

Nhật Bản: Người dân một làng ở Fukushima được trở về nhà sau 11 năm

Người dân của làng Katsurao thuộc tỉnh Fukushima (Nhật Bản) đã có thể trở về nhà khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ vào ngày 12/6, hơn 11 năm sau thảm họa hạt nhân do trận động đất kèm sóng thần ngày 11/3/2011. Đây là lần đầu tiên các hạn chế được dỡ bỏ để người dân có thể trở lại sinh sống ở khu vực từng dự kiến sẽ phải đóng cửa lâu dài do mức độ nhiễm phóng xạ cao.

Hôm 3/6 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế đối với khu vực rộng 0,95 km2 sau khi xác định mức độ phóng xạ giảm và cơ sở hạ tầng đã được thiết lập để hỗ trợ việc sinh sống.

Nga tiếp tục chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine

Ngày 12/6, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã chuyển 41,9 triệu m3 khí đốt đến trạm Sudzha của Ukraine để từ đó tiếp tục chuyển tới các nước châu Âu.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Gazprom Sergey Kupriyanov cho biết: "Gazprom cung cấp khí đốt của Nga qua trạm Sudzha với số lượng được phía Ukraine xác nhận là 41,9 triệu m3 ngày 12/6. Tuy nhiên, việc chuyển khí đốt qua trạm Sokharanovka đã bị từ chối". Lượng cung cấp khí đốt đã ở mức không thay đổi ngày thứ 4 liên tiếp.

Sri Lanka áp hạn ngạch nhiên liệu đối với phương tiện giao thông

Ngày 12/6, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết nước này sẽ áp dụng một hệ thống hạn ngạch nhiên liệu hằng tuần đối với các phương tiện giao thông do những khó khăn trong việc mua nhiên liệu.

Trao đổi với báo giới, ông Wijesekera cho hay, tất cả tài xế sẽ đăng ký tại trạm xăng gần nhất và hạn ngạch sẽ được áp dụng từ tuần đầu tiên của tháng 7.

Các bên đối địch ở Libya nối lại đàm phán tại Cairo

Ngày 12/6, các quan chức Libya đã trở lại thủ đô Cairo của Ai Cập để tham gia vòng đàm phán thứ 3 về sửa đổi hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này một lần nữa rơi vào bế tắc chính trị với hai chính quyền đối địch cùng tồn tại song song.

Mexico kêu gọi cải cách OAS và chấm dứt cấm vận Cuba

Ngày 11/6, truyền thông Mexico đưa tin, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã chỉ trích việc một số nước không được mời tham dự sự kiện, đồng thời kêu gọi cải cách OAS và chấm dứt các biện pháp bao vây cấm vận nhằm vào Cuba.

Gia tăng các vụ đâm kim tiêm tại Pháp

Số vụ đâm kim tiêm tại Pháp đang có dấu hiệu gia tăng khi kể từ tháng 2, nhà chức trách đã ghi nhận nhiều vụ việc như vậy tại các hộp đêm, buổi biểu diễn âm nhạc và các lễ hội âm nhạc trên khắp nước này.

Ngày 11/6, Đài truyền hình BFMTV của Pháp đưa tin chỉ riêng tại các hộp đêm đã ghi nhận 319 vụ đâm kim tiêm. Trong khi đó, cảnh sát đã nhận được khiếu nại của 275 nạn nhân. Theo các mạng xã hội, cả phụ nữ và nam giới đều có nguy cơ là nạn nhân.

Nhiều trẻ vị thành niên bị thương trong vụ nổ súng ở Kentucky, Mỹ

Đã có ít nhất một người thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong một vụ nổ súng xảy ra sáng 12/6 (giờ Việt Nam) tại thành phố Louisville, bang Kentucky của Mỹ.

Theo trang tin abcnews.go.com, cảnh sát địa phương xác nhận thông tin trên và hiện trường vụ nổ súng gần Cầu Big Four ở Louisville đã được phong tỏa. Tất cả các nạn nhân đều là trẻ vị thành niên. Bốn em bị thương đã được đưa đến Bệnh viện UofL.

Nhiều thương vong trong vụ tấn công khủng bố tại Mali

Ngày 11/6, một nguồn tin quân sự và một quan chức địa phương cho biết ít nhất 5 người, gồm nhân viên hải quan và dân thường, đã thiệt mạng ở phía Đông Nam của Mali trong một vụ tấn công khủng bố nhằm vào một đồn hải quan.

Núi lửa Bulusan tại Philippines tiếp tục phun trào

Rạng sáng 12/6, núi lửa Bulusan cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 600 km về phía Đông Nam đã tiếp tục phun các cột tro bụi lên không trung.

Viện Nghiên cứu núi lửa và địa chấn Philippines (PHIVOLCS) cho biết các chuyên gia đã ghi nhận vụ phun trào phreatic (hiện tượng magma nung nóng nước ngầm khiến hơi nước phun lên do áp lực) tại núi lửa Bulusan lúc khoảng 3h sáng và kéo dài trong 18 phút.

Bạch Dương