Quy trình chặt chẽ nên không thể có lợi 'ích nhóm" trong xây dựng chính sách

Chính trị - Ngày đăng : 18:31, 09/06/2022

Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
9_6_2022.toan-canh.jpg

Tập trung hoàn thiện thể chế

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước cơ bản đồng tình và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, xây dựng, về các Báo cáo của Chính phủ, báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 vào tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2022.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong hai ngày qua, đã có 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp trả lời chất vấn, 2 Phó Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn bổ sung tại hội trường.

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được, trong đó khẳng định dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến tích cực, quốc phòng an ninh ổn định, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại được đẩy mạnh, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, nhận thức rõ trách nhiệm, thời gian tới, Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Về công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết, tiến độ lập quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu, do tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Chính phủ cơ bản thống nhất về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật thì công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp có mâu thuẫn cần giảm bớt một số thủ tục sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh; điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để lập các quy hoạch mà chưa lựa chọn được nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2230…

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án; tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm làm chậm tiến độ giải ngân…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá Chiến lược về hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung tiếp tục rà soát, triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm gắn với việc thực hiện Đề án, định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

1.pho-thu-tuong-pham-binh-minh.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại phiên chất vấn chiều nay 9/6.

Các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về cải cách hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực và thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Có lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách không?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu vấn đề là nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước.

Tồn tại này không mới, vậy đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn trách nhiệm đối với hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, sắp tới Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát các nội dung làm sao sử dụng hiệu quả đất đai trong cả nước.

Về cổ phần hóa DN, thoái vốn nhà nước, hiện đã cổ phần hóa và thoái vốn được 339 doanh nghiệp. Giai đoạn cổ phần hóa 2022, các địa phương tiếp tục thực hiện các danh mục mà địa phương đưa ra.

Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng vấn đề này còn tồn tại, hạn chế do thực hiện chưa theo đúng kế hoạch, các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, nhiều quy định mới được ban hành theo hướng chặt chẽ công khai minh bạch hơn, quy trình thực hiện dài hơn, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trong quản lý đất đai, tài sản công cần được kiểm soóa, việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong vấn đề này còn chưa tốt.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác này.

18.-nguyen-manh-cuong-quang-binh.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình).

Về câu hỏi của đại biểu Cẩm Hà Trung chất vấn: Có tình trạng lợi ích nhóm trong ban hành chính sách pháp luật hay không?

Phó Thủ tướng đề nghị đại biểu phải chỉ ra rõ nhóm lợi ích nào khi đưa ra nhận định. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng hiện đã có quy định pháp luật rất chặt chẽ về vấn đề này, nhất là xây dựng các văn bản luật, nghị quyết, khi xây dựng tiến hành các bước rất kỹ.

Đây là quy định của pháp luật và cơ quan chủ trì xây dựng phải có báo cáo tổng kết, đánh giá tác động, mới đề nghị xây dựng luật.

Đặc biệt, khi xây dựng phải lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, tiếp thu hoàn thiện dự thảo. Sau đó, Bộ Tư pháp sẽ là cơ quan thẩm định cuối cùng trước khi đưa ra Chính phủ có ý kiến. Chính phủ sẽ tổ chức các phiên họp chuyên đề để cho ý kiến các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội.

Nếu tuân thủ đúng quy trình xây dựng như vậy thì hiện tượng lợi ích nhóm, cục bộ rất khó có thể xảy ra.

Chính phủ cũng đã đề ra những quy định và có những nhóm giải pháp đó là “minh bạch hóa trong xây dựng chính sách”; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, nhất là thủ trưởng đơn vị. Trong các cuộc họp Thủ tướng luôn yêu cầu các Bộ trưởng phải có trách nhiệm trong xây dựng luật. Phát huy vai trò Ban quan soạn thảo; Nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra; kiện toàn tổ chức pháp chế của các cơ quan thuộc Chính phủ.

Nguyên Bình