Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14/6/2022): “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:06, 09/06/2022

Ngày 14/6 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn làm Ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” - những người đã tình nguyện hiến máu, cho đi món quà quý giá nhất mà không đòi hỏi sự đền đáp gì. Nghĩa cử cao đẹp của các tình nguyện viên hiến máu đã đem đến mầm sống cho rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng

Ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” nhằm kêu gọi các quốc gia, kêu gọi cộng đồng hãy ghi nhận và tôn vinh hành động cao đẹp của những người đã từng hiến máu. Với toàn xã hội, họ có thể chỉ là những người bình thường, nhưng với riêng những người bệnh, họ thực sự là những người anh hùng vì đã đem tặng món quà vô giá - Máu và Thời gian dành để đi hiến máu. Chính nhờ lượng máu hiến tặng này, hàng năm, trên thế giới đã có hàng triệu người được cứu sống nhờ có máu để truyền.

Để tri ân và khuyến khích những người hiến máu tình nguyện, đặc biệt là người hiến máu nhiều lần, năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Quốc tế và Hiệp hội Người hiến máu Thế giới đã lấy ngày 14/6 để tôn vinh những người hiến máu. Ngày 14/6 được lưạ chọn để tưởng nhớ tới Giáo sư Karl Lendsteiner – người Áo, người đã phát minh ra nhóm máu ABO năm 1900 (đạt giải Nobel y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới (truyền máu phải hoà hợp nhóm máu);

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 bệnh nhân sẽ có một người cần truyền máu. Máu là sự sống của mỗi người, bất kể người khỏe hay người ốm. Với người bệnh, từng đơn vị máu càng trở nên quý giá bởi đó không chỉ là sự giúp đỡ, sự sẻ chia của cộng đồng, mà chính là nguồn sống, là cơ hội để được hồi sinh, để được tiếp thêm hi vọng. Nhờ có máu mà nhịp đập trái tim, hơi thở và cuộc sống của người bệnh được duy trì.

Chị Đỗ Thị Hồng, Đoàn viên chi đoàn trường mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy Hà Nội đã nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện, chị Hồng chia sẻ : “Bản thân tôi đã hiến máu rất nhiều lần và thông qua các đợt hiến máu thì tôi cảm nhận đây là một hoạt động ý nghĩa thiết thực.Và thông qua đó tôi muốn hoạt động tình nguyện sẽ được lan tỏa rộng rãi đến các bạn, không những là trong Đoàn viên thanh niên nói riêng mà trong toàn xã hội nói chung và một giọt máu cho đi thì một cuộc đời sẽ ở lại”.

Lựa chọn hiến máu, mỗi người tình nguyện đã tự thực hiện một hành động anh hùng bởi họ đã cứu được một sự sống hay còn nhiều hơn thế nữa. Nhiều người trong số họ thậm chí đã thực hiện hiến máu hàng chục lần trong nhiều năm liền.

Truyền máu và các chế phẩm máu giúp cứu được hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Việc làm này có thể giúp kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân bị mắc bệnh nguy hiểm có thể tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Ngoài ra, truyền máu và các chế phẩm máu cũng được sử dụng trong các thủ tục y tế và phẫu thuật phức tạp. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng và cứu giúp sức khỏe của bà mẹ và trẻ em cũng như trong các thảm họa tự nhiên và nhân tạo.

1.jpg

Chị Đỗ Thị Hồng thường xuyên tham gia hiến máu tự nguyện

Ở nhiều nước, nhu cầu về máu đang vượt xa các dịch vụ cung cấp, và truyền máu đang phải đối mặt với sự cần thiết phải tìm đủ máu, đồng thời bảo đảm chất lượng và an toàn. Những người hiến máu tự nguyện là nguồn máu an toàn nhất so với những người hiến máu vì lợi ích của các thành viên gia đình họ trong trường hợp khẩn cấp hoặc những người hiến máu được trả tiền. Chính vì vậy, điều quan trọng đối với mọi quốc gia là cần phát triển một hệ thống hiến máu tự nguyện và thường xuyên để đáp ứng nhu cầu về máu vốn luôn đóng vai trò quan trọng. Điều cốt yếu là mỗi quốc gia có một nguồn dự trữ ổn định những người hiến máu sạch và sẵn sàng hiến thường xuyên.

Ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu năm nay nhằm cảm ơn các nhà tài trợ máu – những người đã cứu được nhiều sự sống mỗi ngày vì sự đóng góp của họ. Mục đích của ngày kỷ niệm năm nay cũng là để khuyến khích nhiều người trên thế giới cùng hiến máu tự nguyện và thường xuyên.

Chiến dịch của Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu năm nay sẽ làm nổi bật các câu chuyện của những người mà cuộc sống của họ đã được cứu sống nhờ hiến máu, từ đó sẽ tạo động lực cho những người hiến máu thường xuyên để họ tiếp tục hiến máu khỏe mạnh và những người vốn không bao giờ thực hiện hiến máu, nhất là giới trẻ, bắt đầu thực hiện hành động có ý nghĩa lớn lao này./.

Đặt mục tiêu tiếp nhận 120.000 đơn vị máu

Lễ khởi động chiến dịch hiến máu lớn nhất cả nước mang tên Hành trình đỏ lần thứ 10, diễn ra ngày 2/6 đến hết ngày 7/2 /2022 tại tỉnh Cà Mau với sự tham gia của nhiều địa phương nhất, đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm hành trình “kết nối dòng máu Việt”.

46 địa phương sẽ tham gia đồng hành, tổ chức Hành trình đỏ năm nay gồm: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lào Cai, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lai Châu, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Có 5 địa phương tham gia xuyên suốt cả 10 kỳ Hành trình đỏ gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng.

Phát biểu khai mạc Hành trình đỏ 2022, Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình đỏ nhấn mạnh đây là lần thứ 8 tỉnh Cà Mau tham gia tổ chức chương trình và lần thứ 5 tỉnh được Ban tổ chức lựa chọn là địa phương khai mạc. Chương trình Hành trình đỏ năm nay sẽ tiếp tục được tổ chức ấn tượng, đánh dấu một thập kỷ của một hành trình nhân ái, kết nối dòng máu Việt.

Hành trình đỏ thực sự đã mang lại nhiều thành tựu, dấu ấn, giá trị sâu sắc cho phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam, khắc phục triệt để tình trạng khan hiếm máu cho điều trị người bệnh vào dịp Hè hàng năm. Đồng thời, chương trình góp phần nâng cao nhận thức cho hàng triệu người dân hiểu biết về hiến máu tình nguyện, về bệnh tan máu bẩm sinh; đào tạo, phát triển được hàng nghìn tình nguyện viên vận động hiến máu tình nguyện tại các địa phương. Chương trình cũng giúp các trung tâm truyền máu tập dượt thành công mô hình tiếp nhận máu với số lượng lớn trong một ngày, đề phòng thảm họa, thiên tai cần truyền máu với số lượng lớn.

Khẳng định những đóng góp to lớn của Hành trình đỏ, bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho hay: “nhìn lại chiến dịch Những giọt máu hồng Hè và chương trình Hành trình đỏ những năm qua, có thể khẳng định đây là chương trình vận động hiến máu tình nguyện có quy mô lớn nhất vào mỗi dịp Hè với số địa phương tham gia đông đảo nhất, thu hút nhiều tình nguyện viên tham gia và thu về lượng máu cao nhất”.

Hành trình đỏ với phương thức tổ chức sáng tạo đã có tính hiệu triệu cổ vũ to lớn, truyền đi thông điệp lay động hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, về lẽ sống cho và nhận. Qua 9 năm tổ chức, Hành trình đỏ với thông điệp kết nối dòng máu Việt đã trở thành một chiến dịch truyền thông, vận động và tổ chức hiến máu có quy mô lớn nhất ở Việt Nam.

Đã có 57 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia tổ chức thành công và tiếp nhận được trên 515.000 đơn vị máu. Đây là minh chứng rõ nhất cho tính nhân văn và sức lan tỏa mạnh mẽ của một hành trình nhân ái vì cộng đồng.

Để Hành trình Đỏ triển khai đạt kết quả và chỉ tiêu đề ra, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đề nghị, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về hiến máu tình nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết và ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người.

Như Hoa