ĐBQH: Giá vàng “đi ngược” với thế giới có làm lợi cho tổ chức hay DN nào không?

Kinh tế - Ngày đăng : 17:58, 08/06/2022

Liên quan vấn đề giá vàng, cho rằng Việt Nam là nước duy nhất “đi ngược” với thế giới, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề, liệu đằng sau việc giá vàng “đi ngược” với thế giới có làm lợi cho tổ chức hay doanh nghiệp nào hay không? đại biểu lưu ý cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này.
dbqh-gia-vang-di-nguoc-the-gioi-co-lam-loi-cho-ca-nhan-to-chuc-nao.jpg
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP.Hà Nội): Việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay?

Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Ngân hàng, diễn ra chiều ngày 8/6, quan tâm đến diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt là sự chênh lệch quá cao về giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với tình trạng nêu trên?

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề chênh lệch giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao. Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Tranh luận lại vấn đề, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao việc điều hành thị trường vàng, quản lý các hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đặt vấn đề, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy chỉ rõ, cùng là vàng miếng nhưng không phải là thương hiệu SJC thì chênh với giá SJC đến 15 triệu/lượng. Nêu rõ, xét về giá thành hay xét về giá thế giới thì chênh lệch như thế là quá lớn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải đáp cụ thể hơn về nội dung này?

dbqh-gia-vang-di-nguoc-the-gioi-co-lam-loi-cho-ca-nhan-to-chuc-nao1.jpg
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề liệu đằng sau việc giá vàng “đi ngược” với thế giới như trên có làm lợi cho tổ chức hay doanh nghiệp nào hay không?

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tham gia tranh luận về giá vàng nêu rõ, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất “đi ngược” với thế giới. Khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng Việt Nam lại tăng, có những thời điểm dẫn đến khoảng cách gần 20 triệu. Đại biểu cho rằng vấn đề trên là rất khó chấp nhận.

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An cũng đặt vấn đề, liệu đằng sau việc giá vàng “đi ngược” với thế giới như trên có làm lợi cho tổ chức hay doanh nghiệp nào hay không? Do đó đại biểu đề nghị cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này.

Do thời gian phiên chất vấn đã hết nên vấn đề này sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời vào phiên chất vấn sáng mai (9/6).

Ngọc Mai