Báo chí - "cánh tay nối dài", cầu nối quan trọng giữa chính sách an sinh xã hội tới người dân

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 16:58, 08/06/2022

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn báo chí năm 2022”. Qua đây, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định báo chí - "cánh tay nối dài", cầu nối quan trọng giữa chính sách an sinh xã hội tới người dân.

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Bình, cùng gần 80 nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách lĩnh vực BHXH, BHYT thuộc 60 cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước. Về phía báo cáo viên có: ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam); ông Lê Nguyên Bồng – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam);…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2021 đa dạng các hình thức, phương thức truyền thông hiện đại và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch Covid-19

Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và Nhân dân.

Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên.

825b72122422e47cbd33.jpg
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội nghị.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam xác định công tác thông tin, truyền thông luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; đồng thời, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, truyền thông về BHXH, BHYT theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp.

Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí được Ngành đặc biệt coi trọng, triển khai theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, thiết thực, hiệu quả với tần suất cao, phạm vi rộng, hướng tới cơ sở và đến với mọi nhóm đối tượng. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

Trong năm 2021, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với 04 cơ quan truyền thông quốc gia, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên tất cả các loại hình báo chí, hướng tới các nhóm đối tượng độc giả, khán - thính giả trong cả nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo BHXH các địa phương duy trì mối quan hệ phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương, tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Nhằm kịp thời cập nhật những chính sách mới về BHXH, BHYT, BHTN, thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của ngành BHXH Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công 02 Hội nghị cung cấp thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Qua đó, đã thông tin kịp thời những quy định mới về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin trúng những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm... giúp các nhà báo, phóng viên truyền tải thông tin đến với người dân đầy đủ, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần định hướng dư luận và củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính sách, pháp luật, từ đó tích cực, chủ động tham gia BHXH, BHYT.

Bên cạnh cơ chế cung cấp thông tin qua hình thức tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, để kịp thời truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngay sau khi có quy định mới, cũng như hoạt động nổi bật của ngành BHXH Việt Nam, nhất là trong bối cảnh trong năm 2021 có nhiều quyết sách của Chính phủ, giải pháp của Ngành được triển khai để hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT gặp khó khăn do đại dịch.

BHXH Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, tăng cường hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí thông qua hình thức gửi nhóm email, zalo đến các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và BHXH 63 tỉnh, thành phố (để cung cấp tới các cơ quan báo chí tại mỗi địa phương).

Hình thức này đảm bảo việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách chính thống, nhanh chóng, kịp thời, chính xác, thuận tiện, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Song song đó, BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương luôn tạo điều kiện tối đa cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận thông tin về BHXH, BHYT.

Trong năm 2021, toàn Ngành đã hỗ trợ khoảng 60 lượt các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương tác nghiệp, thực hiện ghi hình phóng sự, trả lời phỏng vấn, tham gia tọa đàm,… tại các địa phương trong cả nước nhằm truyền tải, giải đáp, định hướng thông tin chính sách BHXH, BHYT, BHTN kịp thời tới Nhân dân.

Có thể nói, năm 2021 là năm mà số thông tin báo chí của ngành BHXH Việt Nam cung cấp thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí nhiều nhất từ trước tới nay.

Nội dung truyền thông về chính sách BHXH, BHYT nói chung và trên báo chí nói riêng ngày càng được đổi mới rõ nét. Song song với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các cơ quan báo chí đã đặc biệt tăng cường truyền thông về: ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; các thông tin cảnh báo thông tin “xấu - độc” về BHXH, BHYT, BHTN;… góp phần định hướng dự luận, củng cố niềm tin của Nhân dân vào các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, tận dụng lợi thế lợi thế của truyền thông trực tuyến, truyền thông hiện đại, bên cạnh các loại hình truyền thông truyền thống, năm 2021, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách BHXH, BHYT thông qua các thể loại báo chí mới như: Tọa đàm trực tuyến, Infographic, Megastory/ Longform/Emagazine, Podcast…

Qua đó, giúp các sản phẩm truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN trở nên hấp dẫn, thân thiện, mang tính trực quan, dễ dàng tiếp nhận hơn đối với độc giả, thể hiện rõ hiệu quả trong việc đổi mới loại hình báo chí truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN.

Để truyền thông chính sách BHXH, BHYT với nhiều thông tin đa chiều, có giá trị thực tiễn, mang đậm hơi thở cuộc sống, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tăng cường thực hiện nhiều tuyến tin, bài đi sâu phản ánh công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương; cổ vũ, động viên kịp thời những doanh nghiệp thực hiện tốt BHXH, BHYT tốt; nêu tên, phê phán các đơn vị, người SDLĐ chưa chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; truyền thông qua các nhân vật thực tế; truyền thông lan tỏa cảm hứng qua các tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện....

Đặc biệt, thực hiện mục tiêu đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và thúc đẩy phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, các cơ quan thông tấn, báo chí còn có nhiều bài viết truyền thông, vận động đối với nhóm chủ thể là nông dân và lao động khu vực phi chính thức; nêu gương người thực, việc thực trong công tác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... để phát triển, duy trì người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng đến nhóm đối tượng độc giả là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các ấn phẩm tuyên truyền được biên tập riêng cho nhóm đối tượng này như các Poster, ấn phẩm báo, tạp chí, đặc san phát miễn phí đến tận tay cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín (như chuyên đề An ninh Biên giới - Báo Biên phòng, chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi - Báo Tin tức, Báo Dân tộc và phát triển,...) cũng được được BHXH Việt Nam triển khai sâu rộng, tạo những hiệu quả truyền thông nhất định.

Trong năm qua, công tác phối hợp truyền thông giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan thông tấn, báo chí được được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả, ngày càng có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực: Độ bao phủ rộng hơn; tần suất thường xuyên hơn; hình thức truyền thông đa dạng; nội dung truyền thông phong phú, đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm và theo sát các vấn đề được dư luận và Nhân dân quan tâm.

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần quan trọng cùng Ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”: vừa hoàn thành các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thách thức, vừa thực hiện thành công, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong đó, kết quả nổi bật phải kể đến là độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng: Đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người; Số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

639873c625f6e5a8bce7.jpg
Quang cảnh Hội nghị 

Có thể nói, trong năm 2021, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT vào cuộc sống; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Nhiều bài báo, phóng sự truyền hình... về BHXH, BHYT được đầu tư công phu, bài bản, kịp thời thông tin về những thay đổi trong chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, giúp người dân hiểu rõ về chính sách, tạo sự đồng thuận trong khâu tổ chức thực hiện, đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống.

Đặc biệt, báo chí cũng trở thành “kênh” thông tin quan trọng trong việc phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT và phòng chống tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT, thông qua hàng loạt các bài viết, phóng sự phản ánh về tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, lợi dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, quỹ ốm đau, thai sản, thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi...

Qua đó, giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin để xử lý kịp thời và mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; đồng thời, nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của ngành BHXH Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động.

Năm 2022 chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thông online

Qua đây, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đề ra những phương hướng về phương pháp truyền thông trong năm 2022. Trước xu hướng phát triển mang tính khách quan của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới với các loại hình báo chí truyền thông đa phương tiện, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung phát huy hiệu quả các hình thức thông tin như Inphographic, Mega Story, Long Form, motion graphic,…

Với sự bùng nổ của thời đại truyền thông số, cùng xu hướng tiếp cận thông tin qua môi trường Internet của lớp công chúng mới, BHXH Việt Nam sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thông gián tiếp như thực hiện các video lan truyền, các file tiểu phẩm truyền hình/phát thanh,… có nội dung truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Đồng thời, tận dụng các kênh truyền thông trên môi trường Internet của Ngành như hệ thống Cổng Thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo OA của BHXH Việt Nam và của BHXH các tỉnh, thành phố; Tạp chí BHXH điện tử để triển khai các chiến dịch truyền thông đa phương tiện với các sản phẩm truyền thông nêu trên.

Trong chiến lược đổi mới công tác thông tin, truyền thông của Ngành, BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên nói riêng trong việc lan tỏa các sản phẩm truyền thông online trên kênh báo/tạp chí chí điện tử của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Minh Anh