Phú Quốc chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:35, 07/06/2022
Khoảng 10 năm trước, Đà Nẵng đang "thống trị" thị trường du lịch. Phú Quốc khi ấy vẫn còn là huyện đảo hoang sơ, ít tiếng tăm. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2015-2016, Phú Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mình.
Có hai yếu tố quan trọng cần nhắc đến là sân bay Phú Quốc mới đi vào hoạt động tại xã Dương Tơ năm 2012. Tới năm 2018, việc mở rộng nhà ga với số tiền đầu tư 1.000 tỷ đồng cũng hoàn thành, tăng công suất từ 2,65 triệu hành khách/năm lên 4 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, sự xuất hiện của những "ông lớn" cũng báo hiệu về việc Phú Quốc sẽ chuyển mình mạnh mẽ.
"Trước kia, truyền thông về Phú Quốc chưa mạnh như bây giờ. Việc những tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch xuất hiện đã thay đổi nhiều thứ. Sự có mặt của họ đồng nghĩa với hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ", ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, nhận xét.
Sự ảnh hưởng của đại dịch cũng được xem là yếu tố giúp Phú Quốc hưởng lợi. Từ cuối năm 2019, du lịch Việt chững lại. Năm 2021, du lịch Việt còn "thảm" hơn khi mất tới 6 tháng vì những lệnh phong tỏa liên quan đến dịch Covid-19.
Phải tới cuối năm 2021, du lịch mới bắt đầu trở lại. Và cũng từ thời gian này, Phú Quốc vụt lên trở thành điểm nóng nhất của du lịch phía nam.
"Đảo ngọc" hội tụ đủ yếu tố du khách cần: có sân bay, nhiều khu vui chơi giải trí, hệ thống khách sạn đa dạng từ bình dân đến cao cấp, bãi biển đẹp... Và quan trọng là Phú Quốc vẫn mới.
Ông Văn chia sẻ: "Có thể thấy, người Việt bắt trend rất nhanh. Sau dịch, nhiều người bắt đầu chọn đi Phú Quốc. Họ đánh giá tốt về Phú Quốc và kéo theo nhiều người khác cũng muốn trải nghiệm nơi đây".
Phú Quốc có nhiều lợi thế về vùng biển đẹp, khí hậu tốt gần như quanh năm. Tuy nhiên, những lợi thế đó không đủ để biến Phú Quốc trở thành điểm đến hàng đầu khu vực phía nam như hiện nay nếu thiếu sự xuất hiện từ các ông lớn.
Theo nhiều chuyên gia về du lịch, Phú Quốc là hòn đảo biệt lập, 4 mặt bao bọc bởi biển. Điều này tạo lợi thế lớn để phát triển các khu nghỉ dưỡng ở cả Bắc đảo lẫn Nam đảo.
Điểm du lịch không chỉ cần có lợi thế tự nhiên. Đó là một yếu tố chứ chưa đủ. Nhiều người làm du lịch nhận xét để thu hút du khách, các dịch vụ giải trí cần được đổi mới liên tục. Và Phú Quốc đang làm tốt điều đó hơn bất kỳ điểm đến nào.
Tuy đánh giá cao Phú Quốc, các chuyên gia cho biết "đảo ngọc" còn nhiều điều phải làm để chứng minh đây là điểm đến số một Việt Nam.
Ví dụ, bất chấp sức hút khổng lồ, lượng khách đến Phú Quốc dịp 30/4-1/5 mới đạt 127.000 lượt (tính từ 30/4 đến 3/5). Con số này mới chỉ bằng một nửa Nha Trang hay Đà Nẵng.
Về quan điểm Phú Quốc có diện tích nhỏ nên lượng khách chưa cao thì đó không phải là lý do. Thực tế, diện tích Phú Quốc là 574 km2, cũng xấp xỉ Singapore (khoảng 700 km2). Đó là chưa kể diện tích của Nha Trang chỉ là 251 km2. Vì vậy, diện tích không phải yếu tố quá lớn trên bàn cân so sánh này.
Mà thực tế, Phú Quốc chưa tạo đủ điểm nhấn trong mắt khách quốc tế. So với Phuket, một thành phố đảo ở Thái Lan, độ phủ sóng của Phú Quốc rõ ràng chưa bằng.
Phú Quốc cần thời gian để phát triển mạnh mẽ hơn trong mắt khách Việt lẫn khách quốc tế. Các tập đoàn lớn cần tạo thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn để khai thác hiệu quả tiềm năng của Phú Quốc. Các công ty lữ hành cần tạo thêm nhiều sản phẩm tour hay, lạ hơn.
Hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Nhưng tới năm sau, theo kỳ vọng của đa số doanh nghiệp, du lịch inbound ở Việt Nam sẽ quay trở lại mạnh mẽ. Đến lúc đó, Phú Quốc có thể được khách quốc tế quan tâm nhiều hơn.
Phía Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang đánh giá: "Việc được chọn làm thí điểm đón khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa đem đến nhiều lợi thế cho Phú Quốc. Cái tên Phú Quốc được truyền thông trong nước lẫn quốc tế nhắc tới nhiều. Tôi có niềm tin Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến số một ở Việt Nam trong tương lai".