ĐBQH đề nghị tăng lương tối thiểu của người lao động theo hợp đồng từ 1/7/2022

Chính trị - Ngày đăng : 12:07, 01/06/2022

Nhấn mạnh người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc, nhiều ĐBQH đã đề cập tới việc tăng lương tối thiểu và điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ của người lao động trong phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (1/6).
dbqh-de-nghi-tang-luong-toi-thieu-cua-nguoi-lao-dong-theo-hop-dong-tu-ngay-1-7-2022.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đoàn tỉnh Đắk Lắk):  Đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 01/7/2022

Đề cập vấn đề tăng lương tối thiểu, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đoàn tỉnh Đắk Lắk) quan tâm tới người lao động làm việc theo hợp đồng và cho rằng đây cũng là vấn đề mà người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm.

Theo đại biểu Xuân, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ.

Thực tế, chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 01/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm.

Theo thông lệ, việc tăng tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 01 tháng 01 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 đến 7%. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùngđã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng.

Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 là đúng đắn và cần thiết.

Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Cho dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với người lao động, gắn bó hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp; đồng thời tăng lương tối thiểu, kịp thời lúc người lao động đang khó khăn, thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 01/7/2022 như Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.

Điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình

Cũng liên quan đến vấn đề lương của người lao động, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

dbqh-de-nghi-tang-luong-toi-thieu-cua-nguoi-lao-dong-theo-hop-dong-tu-ngay-1-7-2022-h1.jpg
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn)  phát biểu thảo luận

Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, đại biểu đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ:

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng.

Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Ngọc Mai