Samsung "khai tử" màn hình LCD

Đời sống - Ngày đăng : 12:10, 31/05/2022

Samsung Display cho biết bắt đầu từ tháng 6 tới sẽ ngừng dây chuyền sản xuất màn hình TV LCD kích thước lớn L8-2 ở thành phố Asan thuộc tỉnh Nam Chungcheong.

Sau nhiều đồn đoán thì vào ngày 30/5, Samsung Display cho biết bắt đầu từ tháng 6 tới sẽ ngừng dây chuyền sản xuất màn hình TV LCD kích thước lớn L8-2 ở thành phố Asan thuộc tỉnh Nam Chungcheong.

Với quyết định này, mảng kinh doanh màn hình LCD mà Samsung Display bắt đầu tham gia từ năm 1991 sẽ chính thức kết thúc. Công ty LG Display cũng cho biết đang giảm tỷ lệ sản xuất tấm nền LCD cho TV để tập trung vào lĩnh vực màn hình OLED.

u.jpg
Samsung "khai tử" màn hình LCD từ tháng 6/2022

Đối với những ai chưa biết, IPS (in-plane switching) là nhánh chính của màn hình LCD, được Hitachi phát triển vào năm 1996 với các lớp tinh thể lỏng được xếp theo hàng ngang song song với hai lớp kính phân cực ở trên và dưới thay vì đặt vuông góc. Cải tiến này giúp màn hình giảm tán xạ ánh sáng, cho góc nhìn rộng hơn và màu sắc hiển thị tốt hơn so với chuẩn TFT LCD từng phổ biến trước khi có IPS.

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng màn hình IPS LCD lại yêu cầu một đèn nền sáng hơn, dẫn đến tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Đồng thời, công nghệ này cũng khiến màn hình dày hơn so với các loại khác. Màn hình LCD cũng không tự tạo ánh sáng mà phải nhờ đến đèn nền để phát sáng.

Trong khi đó, công nghệ OLED lại khắc phục được hầu hết nhược điểm của LCD. OLED (viết tắt của Organic Light Emitting Diode - đi-ốt phát quang hữu cơ), sử dụng lớp phát sáng được làm bằng hợp chất hữu cơ.

Màn hình OLED không yêu cầu đèn nền, do đó nó làm giảm điện năng tiêu thụ cũng như hiển thị màu đen tốt hơn. Một trong những lợi thế của màn hình OLED là màu sắc sống động, góc nhìn rộng hơn, cải thiện độ sáng và tiết kiệm điện.

Số liệu "Xu hướng công nghiệp bán dẫn và màn hình" của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố mới đây cho thấy, Hàn Quốc đã duy trì thị phần số một thế giới về thị trường màn hình kể từ năm 2004.

Đặc biệt, tính đến năm 2012, Hàn Quốc từng chiếm hơn 50% thị phần màn hình LCD của thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2021, con số này chỉ còn đứng ở mức 33,2%.

Trung Quốc (quốc gia dẫn đầu về màn hình LCD giá rẻ) đã vươn lên đứng đầu trong ngành công nghiệp màn hình LCD với thị phần toàn cầu lên tới 41,5%.

Hiện tại, thị trường TV OLED trên thế giới đang do Công ty LG Display thống trị. Năm 2021, LG Display mở rộng cơ sở sản xuất tấm nền OLED thế hệ 8.5 tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) thông qua khoản đầu tư mới và có thông tin rằng LG Display đang xem xét đầu tư cho thế hệ 10.5 với hiệu suất sản xuất cao hơn để "đón đầu" sự gia tăng nhu cầu về TV màn hình OLED trong tương lai.

Thị phần của OLED trong tổng doanh số bán hàng của LG Display cũng tăng từ 7,1% vào năm 2017 lên 43,4% vào năm 2021.

Về phần mình, Samsung Display cho biết đang tập trung vào các màn hình OLED vừa và nhỏ. Ngoài ra, từ cuối năm ngoái, công ty này đã bắt đầu sản xuất "Màn hình chấm lượng tử" (QD), một loại màn hình thế hệ tiếp theo cũng như tham gia vào thị trường màn hình OLED cỡ lớn.

Minh Anh